Những kẻ lừa đảo có thể dễ dàng tạo mã QR, thêm biểu tượng của các cửa hàng ứng dụng và dán nó ở nơi đông người. Việc quét các mã này có thể kích hoạt tính năng tự động trên điện thoại. Ví dụ như nó chủ động tải xuống app từ trang web giả mạo. Điều này dễ dàng đưa phần mềm độc hại vào máy mà người dùng không biết.
Ngoài ra, các mã QR lừa đảo cũng có thể khiến người dùng mất thông tin cá nhân, tài sản. Mã này được hacker tạo ra, liên kết với website giả mạo của ngân hàng, trang thương mại điện tử. Chúng có giao diện gần như trang web thật, dụ dỗ nạn nhân điền email và mật khẩu để chiếm đoạt tài sản.
Năm 2022, Coinbase tạo ra một mã QR tặng thưởng 10 USD tiền số cho ai quét nó và quảng cáo giữa trận Super Bowl. Nhiều kẻ lừa đảo tạo ra một mã tương tự, hiển thị trên video để lừa tiền.
Ngoài ra, tính năng nhận diện vị trí cũng có thể bị xâm phạm, biến dữ liệu người dùng trở thành món hàng cho các công ty bên thứ ba. Một số mã QR được tạo ra để để thu thập thông tin GPS khi người dùng quét nó. Quyền riêng tư của khách hàng có thể bị xâm phạm khi vị trí của họ bị lộ.
Chức năng gọi điện, nhắn tin của điện thoại cũng có thể được kích hoạt thông qua hành động quét mã QR. Dữ liệu quan trọng này dễ dàng bị thu thập bởi các công ty bên thứ ba.
Để tránh trở thành nạn nhân, người dùng nên tránh quét mã QR từ các trang kém uy tín hoặc nội dung không chính thức ở những nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, các tính năng bảo vệ, chống virus nên được bật trên điện thoại thông minh. Các công cụ này có thể cảnh báo khi thiết bị truy cập vào website lừa đảo, chặn tải về app độc hại.
Không hoàn hảo, nhưng mã QR vẫn là công nghệ được ứng dụng rộng rãi nhờ sự tiện lợi.
Với ma trận ô vuông, mã QR có ưu thế hơn mã vạch truyền thống. Ngoài ra, công nghệ này cho phép nó hoạt động kể cả khi một phần mã bị hỏng. Khi mã có 30% diện tích bị che khuất, nó vẫn có thể sử dụng. Ngoài ra, mã QR cũng không kén hướng quét. Người dùng có thể xoay thiết bị ở nhiều góc độ khác nhau mà vẫn có thể truy xuất chính xác thông tin cần.
Hà Trần (t/h)