Tạo cơ chế để xử lý tình trạng sở hữu chéo, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo
Thảo luận về dự án luật này, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai cho rằng, đây là dự án luật khó, tác động rất lớn đến kinh tế xã hội, thậm chí an ninh trật tự. Theo đại biểu An, dự thảo luật cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề tạo cơ chế để xử lý tình trạng sở hữu chéo, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo theo Nghị quyết của trung ương và Quốc hội.
“Thực tế qua vụ việc của Ngân hàng SCB và thực trạng hiện nay đặt ra 03 vấn đề tạo ra những rủi ro rất lớn cho hệ thống đó là sở hữu chéo, chi phối và thao túng tổ chức tín dụng. Do vậy, vấn đề này cần phải tiếp tục được nhận diện để xử lý, loại trừ”, đại biểu An nói, đồng thời cho rằng “Sở hữu chéo, chi phối và thao túng là các thủ thuật rất tinh vi và thường là vô hình. Tuy nhiên, với đối tượng vô hình và thường xuyên biến đổi này, ta lại dùng các công cụ như luật đang thiết kế (giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần, giảm hạn mức cấp tín dụng và mở rộng đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ), tức là ta đang lấy cái hữu hình để trị cái vô hình, theo tôi là không hiệu quả".
Đại biểu Xuân An nhấn mạnh: Điều cốt lõi của hệ thống ngân hàng Việt Nam nằm ở vấn đề quản trị. Để chống sở hữu chéo, thao túng, chi phối trong hệ thống ngân hàng, yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân, tổ chức nào là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng.
Do đó, luật cần phải xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân, tổ chức hay còn gọi với tên mỹ miều là "ông bầu" hay các "madam" nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng.
Ngân hàng phải kiểm soát đối với trường hợp ông chủ ngân hàng là doanh nghiệp đứng sau
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phân tích: Điều chỉnh người có liên quan có phù hợp với các loại hình tổ chức tín dụng và điều chỉnh sở hữu cổ phần cá nhân 3% thay vì 5% và quy định giảm dần lộ trình cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một số khách hàng, người có liên quan. Đại biểu Hoà cho rằng, "đây là vấn đề lớn".
Đại biểu Phạm Văn Hoà khẳng định: “Quan trọng nhất hiện nay là ngân hàng phải kiểm soát, quan tâm hơn đối với trường hợp ông chủ của ngân hàng là doanh nghiệp đứng sau”.
Hiện nay, có nhiều ngân hàng do chủ doanh nghiệp lớn đứng sau. Việc kiểm soát ngân hàng là cần thiết nhằm đảm bảo không thể xảy ra như hiện tượng của SCB, ông Hoà cũng cho rằng: “Nguồn vốn cho vay đến các cổ đông của ngân hàng như hiện nay phải được giám sát mạnh mẽ”.
“Tiền gửi của người dân, thậm chí không đến tay người vay hoặc rất khó khăn khi đến tay người vay có nhu cầu mà dễ dàng cho doanh nghiệp sân sau đứng sau, có cổ đông và ông chủ tại Ngân hàng”, đại biểu Hoà lo ngại.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng cảnh báo, nếu không sớm có biện pháp giám sát, ngăn chặn, có khả năng vẫn xảy ra 1 SBC khác: “Nếu có hơn 10 cổ đông, họ “hè” với nhau, rút tiền 1 lần cũng rất nguy hiểm”.
Về can thiệp sớm vào các tổ chức tín dụng, theo ông Hoà, nếu tổ chức tín dụng dùng các biện pháp giảm tỷ lệ lỗ vốn, hoà vốn nên cho phép. Nếu phát hiện các ngân hàng có hiện tương mất vốn sở hữu, khó khăn mất thanh khoản, cần can thiệp sớm, phải thường xuyên theo dõi, nếu phát hiện phải kiểm tra, thậm chí kiểm soát đặc biệt ngay từ lúc đầu.
Thực hiện việc can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt và cho vay đặc biệt bằng quy định của pháp luật
Trả lời ý kiến của Đại biểu Quốc hội góp ý về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc giảm thao túng đầu ra của tổ chức tín dụng được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm bởi thực tế, có ngân hàng do ông chủ doanh nghiệp là cổ đông, đồng thời vụ việc xảy ra ở Ngân hàng SCB gây lo lắng.
Bà Hồng cho rằng, trong dự thảo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi lần này có quy định giảm tín dụng cho khách hàng hoặc khách hàng có liên quan từ 15% xuống 10% dư nợ. Một số đại biểu nêu có lộ trình và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có đề xuất giao Chính phủ xây dựng lộ trình này.
Về thanh tra, giám sát, bà Hồng cho biết, bản thân NHNN luôn nhận diện được thanh tra, giám sát là thường xuyên, liên tục. Tại các ngân hàng, cũng có bộ phận giám sát, kiểm tra này. NHNN tăng cường trách nhiệm giám sát tối cao của bộ phận này ở các tổ chức tín dụng nhằm để họ không phải thực hiện mệnh lệnh của các ông chủ ngân hàng.
“Tổ chức tài chính phải là người giám sát tối cao hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban điều hành ngân hàng. Đó là một số giải pháp để tăng cường, hoàn thiện chỉnh lý để giảm thao túng, sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng”, bà Hồng nói.
Liên quan đến hoạt động can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt và cho vay đặc biệt mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Thống đốc NHNN khẳng định, đây là vấn đề rất lớn, nên phải có quy định pháp luật, trong trường hợp đặc biệt, xảy ra sự cố, các tổ chức mới tổ chức thực hiện được.
“Thời gian vừa qua, khi chúng tôi thực hiện tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng, xử lý ngân hàng yếu kém hay xử lý sự cố SCB, trong quá trình tham vấn các cơ quan bộ, ngành, các bộ ngành đều nêu là giải pháp thực hiện việc can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt và cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng được quy định khoản nào, điều nào trong luật”, bà Hồng nêu.
Lãnh đạo NHNN cho biết thêm: “Chúng tôi nhận thức được, nếu trong Luật Các Tổ chức tín dụng không quy định các biện pháp nêu trên, sau này nếu trường hợp cần xử lý sớm rất khó có cơ sở thực hiện”.
Xuân Hải (t/h)