Cụ thể, trên website https://www.kushiqu.com/ và nhiều Fanpage đăng tải video ca sĩ Quang Lê quảng cáo viên uống điều trị Gout KUSHIQU với nội dung: "Anh ruột của Ca sĩ Quang Lê là anh Thanh Lê trước đó đã bị bệnh gout. Sau khi phát hiện bản thân cũng bị bệnh gout, bác sĩ đã cho ca sĩ Quang Lê xài một sản phẩm KUSHIQU. Sau khi sử dụng sản phẩm được tháng đầu, Quang Lê thấy nó đỡ hơn một chút. Đến tháng thứ 3, Quang Lê đi xét nghiệm máu thì bác sĩ trao đổi chỉ số Axit Uric của Quang Lê đã trở lại bình thường và chân không còn đau nữa. Anh trai ruột của Quang Lê cũng nhận được kết quả tương tự".
Trong các video ca sĩ Quang Lê giới thiệu là đây là sản phẩm công nghệ Nhật Bản và không một phản ứng phụ nào cả, dành cho tất cả các đối tượng, kể cả những người bị bệnh nền.
So sánh đoạn video quảng cáo của ca sĩ Quang Lê với giấy xác nhận nội dung quảng cáo của Bộ Y tế thì sản phẩm viên uống hỗ trợ tiêu gout KUSHIQU có khuyến cáo sản phẩm này không được sử dụng cho người có mẫn cảm, kiêng kỵ với bất cứ thành phần nào của sản phẩm, không dùng cho phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi trong khi đó, ca sĩ Quang Lê quảng cáo dành cho tất cả các đối tượng, kể cả những người bị bệnh nền.
Với những lời quảng cáo như “rót mật ngọt vào tai” người nghe, không ít khách hàng đặt niềm tin và mua sản phẩm viên uống điều trị Gout KUSHIQU để sử dụng. Nhưng thực tế, chất lượng, công dụng của sản phẩm này có thực sự như quảng cáo?
Người nổi tiếng thường có một lượng khán giả nhất định quan tâm, yêu mến và khi người đó lợi dụng sự ảnh hưởng của mình để quảng cáo, bán các sản phẩm thì sẽ có nhiều người tiêu dùng đặt mua vì họ trao niềm tin ở thần tượng của mình. Chính vì vậy, sẽ có nhiều nhãn hàng sẽ ký hợp đồng, hợp tác với các nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình.
Để "dẹp loạn" vấn nạn nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, "thổi phồng" công dụng sản phẩm, Bộ Y tế đã đề nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, các thông tin chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, các website và các trang mạng xã hội có liên quan đến sản phẩm vẫn vi phạm.
Không chỉ vậy, trên website của sản phẩm có đăng tải video ý kiến của PGS, TS, BS Hồ Bá Do và hình ảnh của TS.BS Nguyễn Thị Sơn để quảng cáo sản phẩm.
Tại trang youtube https://www.youtube.com/@hieuthuocvietnhat7128 còn sử dụng hình ảnh của dược sĩ để quảng cáo sản phẩm, kèm thêm những dòng title như “Viên trị Gout KUSHIQU Nhật Bản”…
Ngoài ra, website https://www.kushiqu.com/ còn đăng tải các nhận xét của khách hàng đối với sản phẩm này.
Theo quy định của Nghị định Chính 15/2018/NĐ-CP: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm phẩm". Như vậy bất kỳ bác sỹ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.
Vậy, liệu những bài quảng cáo trên các website và mạng xã hội có liên quan đến sản phẩm BVSK KUSHIQU có phải đang cố tình “phớt lờ” quy định của pháp luật?.
Không chỉ quảng cáo sai so với giấy phép quảng cáo của Bộ Y tế và có dấu hiệu giả mạo thông tin về sản phẩm. Theo tìm hiểu của phóng viên, trên trang web của Cục An toàn thực phẩm, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe KUSHIQU được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 9911/2021, ngày 26/10/2021, đơn vị chịu trách nhiệm công bố lưu hành là Công ty cổ phần dược Minh Duy, có địa chỉ tại số nhà 61, ngõ 12, đường Lương Khánh Thiện, tổ 60, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Trong nội dung giấy xác nhận quảng cáo số 1387/2022, ngày 26/8/2022, do Cục An toàn thực phẩm cấp, có nêu rõ sản phẩm này chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Thế nhưng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube…, xuất hiện tràn lan các thông tin hình ảnh, clip, được dàn dựng quảng cáo sản phẩm KUSHIQU như thuốc chữa bệnh, có thể chữa dứt điểm bệnh gout.
Điều đáng nói là tại chính website https://www.kushiqu.com/ khẳng định rằng sản phẩm này đã được VTV1 HD đưa tin và khuyên dùng. Tìm hiểu thêm trên internet, PV xác nhận không hề có bất cứ thông tin gì đăng tải về việc kênh VTV1 HD có nói đến sản phẩm bảo vệ sức khoẻ KUSHIQU. Vậy thực sự VTV1 HD có thực sự đã đưa tin và khuyên dùng về sản phẩm bảo vệ sức khoẻ này không? Hay đây chỉ là chiêu trò thu hút người tiệu dùng nhằm lấy niềm tin từ người tiêu dùng?
Tìm kiếm cụm từ KUSHIQU trên Facebook, sản phẩm này được bày bán tràn lan tại nhiều Fanpage khác nhau, với các tên gọi như KUSHIQU đặc trị gout, giải pháp điều trị gout công nghệ số 1 Nhật Bản,…Cụ thể, tại các đường link dưới đây, các fanpage này đã “ngang nhiên” đăng tải các video nhận xét của khách hàng, kèm theo logo giả mạo của VTV2 HD, VTV24, logo của Bộ Y tế,…
https://www.facebook.com/goutkusigunhatban/videos/490195633290878
https://www.facebook.com/goutkusigunhatban/videos/551411569268116
Mặc dù thực phẩm chức năng chỉ là sản phẩm hỗ trợ, tăng sức đề kháng nhưng doanh nghiệp cố tình sử dụng từ ngữ mang tính chất gây hiểu nhầm, khiến cho Người tiêu dùng nghĩ rằng sản phẩm KUSHIQU như một loại thuốc chữa bệnh và có thể điều trị dứt điểm bệnh gout.
Tại Khoản 4, Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP về việc Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo 2012 cũng nêu rõ: “4. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”.
Trước thực trạng trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có những biện pháp mạnh tay để xử lý những doanh nghiệp cố tình vi phạm trong lĩnh vực công bố, quảng cáo các loại thực phẩm chức năng.
Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn cố tình phớt lờ những quy định đó vẫn quảng cáo sản phẩm một cách vô tội vạ khiến cơ quan chức năng ‘đau đầu’, người tiêu dùng thì không biết được thông tin thật về sản phẩm.
Để có cái nhìn đa chiều hơn về sản phẩm do Công ty cổ phần dược Minh Duy – đơn vị chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm, phóng viên đã lần tìm theo địa chỉ được đăng ký trên website https://masothue.com/0107919861-cong-ty-co-phan-duoc-minh-duy: là Số nhà 61, ngõ 12 đường Lương Khánh Thiện, tổ 60 - Phường Tương Mai - Quận Hoàng Mai - Hà Nội., tuy nhiên, phóng viên không thấy địa chỉ của số nhà 61 tại địa điểm. Theo lời người dân gần đó khi được phóng viên hỏi thăm về công ty: “ Không có công ty được nào ở đây cả, nhiều người đến đây tìm số nhà 61 chữa bệnh gout rồi, nhưng không có. Người dân khẳng định là công ty ảo"!
Theo hồ sơ trong bản giấy phép tiếp nhận đăng ký sản phẩm và thông tin đăng ký tại cục thuế TP. Hà Nội địa chỉ công ty là: Số nhà 61, ngõ 12 đường Lương Khánh Thiện, tổ 60 - Phường Tương Mai - Quận Hoàng Mai - Hà Nội, nhưng khi phóng viên đến địa chỉ trên thì không thấy Công ty cổ phần dược Minh Duy. Vậy, liệu đây có phải địa chỉ thật của công ty hay không? Nếu như khi trong thời gian khách hàng sử dụng sản phẩm xảy ra vấn đề gì thì biết "kêu ai”?. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ vấn đề để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Kim Khánh - Thùy Linh