LTS: Tạp chí Thương hiệu và Công luận là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) với tôn chỉ tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và công tác quản lý, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân; Bảo vệ thương hiệu cho các đơn vị doanh nghiệp, đơn vị; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng…
Tạp chí Thương hiệu và Công luận luôn cung cấp những thông tin nhanh chóng, kịp thời, hữu ích về công tác phòng, chống gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng trốn thuế… nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng, bạn đọc trong nhiều năm qua.
Theo thông tin giới thiệu trên trang facebook có tên là Việt Á Book với 1,2 nghìn lượt thích và 1,2 nghìn lượt theo dõi, nhà sách này chuyên về các ấn phẩm, sách truyện dành cho thiếu nhi, cùng nhiều đồ chơi, đồ lưu niệm, vật dụng gia đình,… được nhập từ các nhà cung cấp uy tín trong và ngoài nước, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
Hiện hệ thống nhà sách Việt Á Book đang hoạt động với 5 cơ sở: B1708 Vinhome Gadenia, Hàm Nghi, Mỹ Đình; LKC38 KĐT Embassy Garden, Khu Ngoại Giao Đoàn; Tầng 1, Toà Dolphin Plaza, 28 Trần Bình, Mỹ Đình; SH1001SH06, toà s2.10, Đại đô thị Vinhomes Ocean Park, Gia Lâm; 15N04, Ecohome 3, đường Tân Xuân, P.Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Bên cạnh cơ sở bán hàng trực tiếp, nhà sách cung cấp dịch vụ bán hàng online thông qua fanpage Facebook hoặc có thể liên lạc tới số điện thoại của các cơ sở. Mặc dù được quảng cáo là nhà sách dành cho thiếu nhi, nhưng nhiều sản lại không rõ ràng về nguồn gốc, thiếu thông tin, không phù hợp với các em.
Nhiều sản phẩm nước ngoài không có tem nhãn phụ Tiếng Việt
Ngày 23/11/2022, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã “mục sở thị” tại 04 cơ sở của Việt Á Book, gồm: Vinhome Gadenia, Hàm Nghi; KĐT Embassy Garden, Khu Ngoại Giao Đoàn; 28 Trần Bình, Mỹ Đình; Ecohome 3, đường Tân Xuân. Tại đây, phóng viên ghi nhận thực tế một số sản phẩm ở 4 cơ sở được dán nhãn phụ Tiếng Việt với đầy đủ thông tin như pháp luật quy định như: Nguồn gốc, xuất xứ, thông số kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo.
Điển hình là Sản phẩm Pin Mitsubishi LR6/2BP (vỉ 2 viên) tại cơ sở Trần Bình có tem nhãn phụ Tiếng Việt ghi đầy đủ thông tin như quy định. Cụ thể, trên thân sản phẩm ghi rõ có xuất xứ: Trung Quốc. Năm sản xuất 2022. HSD: Xem trên sản phẩm. Thông số kỹ thuật: Pin AA; 1,5V. Thành phần chính: Bột than. Hướng dẫn sử dụng: bảo quản nơi khô ráo, không hủy pin bằng lửa, để xa tầm tay trẻ em. Nhà sản xuất: Dongguan Tianqiu Enterprise Co., Ltd. Địa chỉ: Tianqiu Industrial Park, Xinji Industrial Zone, Machong Town, Dongguan City, China. Nhà nhập khẩu và phân phối: Công ty TNHH đầu tư TM&DV Tuấn Phương. Địa chỉ: Số 144, Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Mai, Hà Nội.
Tuy nhiên, một số sản phẩm đồ chơi, văn phòng phẩm, đồ lưu niệm… tại Nhà sách Việt Á lại rơi vào tình trạng không tem nhãn, mập mờ nguồn gốc xuất xứ.
Sáng 23/11, phóng viên có mặt tại cơ sở KĐT Embassy Garden, Khu Ngoại Giao Đoàn để ghi nhận thực tế và nhận thấy không ít các mặt hàng chỉ có 100% tiếng nước ngoài, hoàn toàn không nhãn phụ tiếng Việt.
Hầu hết các sản phẩm balo, văn phòng phẩm, đồ lưu niệm, cho đến những đồ dùng cá nhân như: dây cột tóc, bông tẩy trang, kẹp mi, son dưỡng… với xuất xứ đa dạng từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…đều không có nhãn phụ Tiếng Việt như pháp luật quy định, gây khó khăn cho người tiêu dùng khi tìm hiểu thông tin về sản phẩm.
Đặc biệt, cùng một thương hiệu The Face Shop, Việt Á lại bày bán mặt hàng mút trang điểm toàn tiếng Hàn Quốc. Trong khi đó, bông rửa mặt lại là chữ Nhật Bản. Dù trên các bao bì toàn tiếng nước ngoài song nhà sách này lại không cung cấp bất cứ tem nhãn phụ tiếng Việt nào như pháp luật quy định. Người tiêu dùng cũng không hiểu The Face Shop nào mới là hàng chính hãng khi thương hiệu này vốn xuất xứ từ Hàn Quốc.
Theo Điều 7, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng Tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa mà không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Doanh nghiệp đó sẽ bị xử phạt hành chính từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng cho hành vi vi phạm.
Tiếp tục “mục sở thị” tại cơ sở 15N04, Ecohome 3, đường Tân Xuân, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, phóng viên cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Nhiều dụng cụ học tập từ các thương hiệu Deli, M&G, Pentel,… đến đồ dùng lưu niệm, đồ chơi cho trẻ toàn tiếng nước ngoài nhưng không có tem nhãn phụ Tiếng Việt.
Chiều cùng ngày, phóng viên tiếp tục đến ghi nhận thực tế tại 2 cơ sở khác của Việt Á Book tại Vinhome Gardenia, Hàm Nghi và Toà Dolphin Plaza, 28 Trần Bình. Tương tự như hai chi nhánh trước, tình trạng sản phẩm nước ngoài thiếu tem nhãn vẫn tiếp tục diễn ra.
Đáng chú ý, sản phẩm “Kẹp từ tính lớn GN” tại cơ sở Trần Bình dù có tem nhãn phụ nhưng thông tin sơ sài. Trên bao bì chỉ ghi Nhà sản xuất: Công ty TMHH CN Plus Việt Nam. Địa chỉ: số 3, đường 1A, KCN Biên Hòa II, Đồng Nai. Số điện thoại. Tuy nhiên lại thiếu phần thông tin về thành phần cấu tạo, hướng dẫn sử dụng,… của sản phẩm.
Giống như ba cơ sở trên, chi nhánh Hàm Nghi cũng rơi vào trạng thái nhiều sản phẩm toàn chữ nước ngoài nhưng không có bất cứ tem nhãn phụ Tiếng Việt nào, đặc biệt là mặt hàng đồ chơi. Theo một số nghiên cứu, những loại đồ chơi trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại cho trẻ em. Đa số các loại đồ chơi này thường làm bằng nhựa tái chế kém chất lượng nhằm làm giảm giá thành. Ngoài ra, để đồ chơi có màu sắc bắt mắt, có độ dẻo, cứng tùy ý; các nhà sản xuất sẽ bổ sung thêm 1 số chất phụ gia, chất tạo màu công nghiệp, đặc biệt là phthalates - một chất gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Những chất như chì, thủy ngân có khả năng gây ung thư nếu tiếp xúc trực tiếp lâu dài.
Theo văn bản QCVN 3:2019/BKHCN về Quy chuẩn kĩ thuật dành cho đồ chơi trẻ em, tất cả đồ chơi trẻ em bắt buộc phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2, gắn dấu hợp quy (CR) và ghi nhãn hàng hóa. Nội dung trên nhãn phải tuân thủ theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ: Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.
Điều này đặt ra câu hỏi về chất lượng sản phẩm tới sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt khi đây là những sản phẩm dành cho trẻ nhỏ.
“Nhập từ hàng chợ”?
Trước cảnh nhiều sản phẩm toàn tiếng nước ngoài nhưng thiếu tem nhãn phụ như quy định, phóng viên đã bày tỏ sự quan ngại về chất lượng, và an toàn sức khỏe người tiêu dùng với nhân viên bán hàng tại cơ sở Trần Bình.
Đáng chú ý, khi phóng viên Thương hiệu và Công luận hỏi nguồn gốc xuất xứ của mặt hàng ống đựng bút, nhân viên này tỏ ra ấp úng: “Cái này em cũng không biết, do chị quản lí nhập về. Kiểu như là hàng chợ ạ. Bên em kiểu đi nhặt nhạnh về, em cũng không rõ nữa”.
Chưa dừng lại, nhận thấy mặt hàng son môi được bày bán tại cơ sở Ngoại Giao Đoàn thiếu thông tin, phóng viên liền hỏi cách sử dụng và bày tỏ sự nghi ngại về nguồn gốc của sản phẩm này. Thấy vậy, nhân viên kế toán liền nói: “Son môi này là của Thái. Em cũng không rõ vì đây là hàng mới nhập về. Từ kho mới đưa sang nên chưa có thông tin gì”.
Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu những sản phẩm “trắng” thông tin, không rõ nguồn gốc như vậy có xuất xứ từ đâu? Sử dụng chúng liệu có ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ - đối tượng chính mà nhà sách này hướng tới?
Thực trạng này liệu có ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường hàng hóa và quyền lợi của người tiêu dùng? Rất cần sự vào cuộc xác minh, làm rõ của cơ quan chức năng.
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng trốn thuế,… đang là vấn đề nhức nhối khiến người tiêu dùng và cơ quan chức năng “đau đầu”. Nhưng là một hệ thống nhà sách lớn với 5 chi nhánh tại Hà Nội, Việt Á Book cần tuân thủ quy định về tem nhãn hàng hóa để minh bạch thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!
Hồng Nhung - Thảo Nguyễn