Việt Nam cần đổi mới phương thức tiếp cận FDI - Hình 1

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hết năm 2018, cả nước có hơn 27.350 dự án FDI đang hoạt động, từ 130 quốc gia và vũng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư cam kết 340,1 tỷ đô la Mỹ, hơn 191 tỷ đô la Mỹ đã thực hiện. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có mặt ở tất cả các địa phương, trong đó khu vực Đông Nam bộ chiếm 43,6% tổng vốn đăng ký, đồng bằng Sông Hồng 27,2%, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 15%... Về hình thức đầu tư, đầu tư 100% vốn nước ngoài chiếm 71,9% trong tổng mức đầu tư đăng ký, liên doanh là 22,1 % và hợp đồng BOT, BT và BTO chiếm 4,1%...

Đầu tư nước ngoài là nguồn vốn quan trọng trong tổng đầu tư phát triển toàn xã hội; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn và hiện dại hóa nền kinh tế; giữ vai trò chủ đạo trong xuất khẩu, từng bước đưa Việt Nam tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện chuyển giao công nghệ ở một số ngành, lĩnh vực; bước đầu hình thành mối liên kết giữa khu vực FDI với khu vực trong nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; đóng góp cho ngân sách nhà nước; hỗ trợ cán cân thanh toán, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu việc làm, phát triển nguồn nhân lực, năng suất lao động của nền kinh tế và trở thành một động lực của tăng trưởng.

FDI không chỉ là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, mà còn góp phần thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, góp phần đáng kể trong nâng cao vị thế của đất nước. Trong giai đoạn đầu, FDI đã góp phần khai thông, mở rộng quan hệ quốc tế, đưa Việt Nam ra khỏi tình thế khó khăn, bình thường hóa với các quốc gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút và sử dụng FDI thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập. Liên kết của khu vực FDI đến khu vực trong nước và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao. Chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI chưa đạt hiệu quả mong muốn. FDI từ các tập đoàn xuyên quốc gia và vào lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn còn hạn chế. Phát triển kết cấu hạ tầng và nông nghiệp là những lĩnh vực Việt Nam ưu tiên, có nhu cầu và tiềm năng lớn, nhưng kết quả thu hút FDI chưa tương xứng.

Một số dự án FDI chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh, tình hình khu vực và thế giới đang diễn biến nhanh chóng và phức tạp, xuất hiện những nhân tố mới có tầm ảnh hưởng sâu, rộng, kéo theo việc thay đổi chính sách của nhiều quốc gia, nền kinh tế lớn, đặt ra yêu cầu cho Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách và điều chỉnh mục tiêu, định hướng thu hút, sử dụng FDI, gắn kết FDI với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Theo khuyến nghị của (Tổ chức Tài chính quốc tế) IFC, Việt Nam cần xác định mục tiêu chính của lộ trình thu hút FDI thế hệ mới phải là nâng cao năng lực đáp ứng của môi trường kinh doanh để theo kịp yêu cầu từ các nhà đầu tư đang hoạt động ở cấp độ 4.0. Nên chăng, Việt Nam thành lập “Cục Đầu tư nước ngoài thế hệ mới” thay thế Cục Đầu tư nước ngoài hiện tại. Bởi hiện nay, chức năng và nhiệm vụ của Cục Đầu tư nước ngoài bị phân tán mạnh giữa nhiều bộ, ngành. Chưa có tổ chức nào ở Việt Nam có đủ năng lực, kỹ năng nhân sự và thẩm quyền đầu mối để thực hiện xúc tiến đầu tư phù hợp với FDI thế hệ mới. Theo đó, cơ quan mới sẽ có đại diện đáng kể của DN; khả năng thu hút nhân lực có kinh nghiệm và kỹ năng từ khu vực tư nhân.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư còn đề nghị, cần sửa đổi toàn diện khung chính sách ưu đãi hiện hành theo quan điểm cạnh tranh dựa trên những lợi thế riêng, các tài sản chiến lược, thế mạnh của Việt Nam, thay vì chạy đua ưu đãi giữa các địa phương như trước đây. “Khẩu vị” của các nhà đầu tư thế hệ mới cũng sẽ khác, vậy nên cũng cần xác định thứ tự ưu tiên mở cửa trong thu hút đầu tư cho hợp lý.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione cho rằng, Việt Nam cần tập trung kêu gọi những dự án có chất lượng cao, nhất là gắn liền với mục tiêu tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát huy lợi thế, tiềm năng trong nước. Tuy nhiên, cũng cần quan tâm, khắc phục tình trạng đến nay mức độ tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu chưa sâu, chưa tối đa hóa được các lợi ích từ việc mở cửa, hội nhập quốc tế của doanh nghiệp. Vấn đề cốt lõi là làm sao thúc đẩy việc du nhập, ứng dụng ngày càng nhiều công nghệ mới, hiện đại nhằm nhanh chóng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Việt Nam đang có những lợi thế cạnh tranh khá tốt, nổi bật là tình hình chính trị, xã hội ổn định; chi phí sản xuất thấp hơn các nước khác; thị trường lớn bên cạnh chính sách, chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng cải thiện. Năm 2019, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục vào cuộc với tinh thần quyết liệt hơn, tập trung cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tăng cường và bảo đảm tính minh bạch, tạo cơ hội cho nhà đầu tư. Đặc biệt, ưu tiên những dự án ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, tạo sản phẩm giá trị gia tăng cao cũng như kết hợp bảo vệ môi trường.

 Hà Trần