Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: Internet)

Động thái chặn Telegram được đưa ra sau khi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) thuộc Bộ Công an đề xuất, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và làm sạch môi trường mạng.

Trong Công văn số 2312/CVT-CS ngày 2/5, Cục Viễn thông nêu rõ lý do pháp lý và thực tế cần phải hành động gấp với ứng dụng này. Văn bản dựa trên báo cáo số 2898/A05-P5 ngày 24/4 của Cục A05, trong đó liệt kê hàng loạt hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật có liên quan đến Telegram.

Theo Cục A05, Telegram đang bị nhiều đối tượng lợi dụng để phạm tội vì ứng dụng có tính năng mã hóa mạnh, bảo mật cao, dễ ẩn danh và dễ tạo nhóm người dùng lớn. Những tính năng này khiến việc kiểm soát nội dung trở nên khó khăn.

Thống kê cho thấy, trong khoảng 9.600 nhóm và kênh Telegram hoạt động tại Việt Nam, có tới 68% chứa nội dung xấu độc. Nhiều nhóm có hàng chục nghìn thành viên, do các đối tượng phản động, chống phá Nhà nước điều hành. Ngoài ra, Telegram còn bị sử dụng để lừa đảo, buôn bán dữ liệu cá nhân, ma túy và thậm chí có dấu hiệu liên quan đến khủng bố.

Trước thực trạng ứng dụng Telegram bị nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo, phát tán thông tin xấu độc, tổ chức chống đối, rao bán dữ liệu cá nhân và cả ma túy, Cục Viễn thông đã chính thức yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông trong nước thực hiện biện pháp kỹ thuật để chặn nền tảng này tại Việt Nam.

Động thái này được đưa ra sau khi nhận được đề nghị từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, thuộc Bộ Công an). Theo đó, Telegram đang trở thành nơi “trú ẩn” lý tưởng cho tội phạm công nghệ cao nhờ có tính năng mã hóa đầu cuối mạnh, cho phép ẩn danh và tạo lập nhóm lớn dễ dàng. Thống kê cho thấy, trong số khoảng 9.600 nhóm và kênh Telegram hoạt động tại Việt Nam, có đến 68% chứa nội dung vi phạm pháp luật.

Cục Viễn thông cho biết, các nền tảng xuyên biên giới khi hoạt động tại Việt Nam – trong đó có Telegram – bắt buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Cụ thể, theo Nghị định 147/2024 và Luật Viễn thông, các doanh nghiệp nước ngoài phải thông báo về hoạt động cung cấp dịch vụ và có nghĩa vụ hợp tác xử lý khi phát hiện vi phạm. Telegram đã không thực hiện bất kỳ thủ tục thông báo nào kể từ ngày 1/1/2025, dù đã có yêu cầu từ phía cơ quan chức năng. Đây là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 4, Điều 9 của Luật Viễn thông hiện hành.

Trong trường hợp nền tảng không hợp tác, Cục Viễn thông khẳng định cơ quan quản lý hoàn toàn có quyền áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn hoạt động của dịch vụ đó. Đây là trách nhiệm đã được quy định rõ trong Luật Viễn thông cũng như Nghị định 163/2024.

Để triển khai chỉ đạo, Cục Viễn thông đã gửi văn bản chính thức đến các nhà mạng trong nước, yêu cầu khẩn trương thực hiện biện pháp ngăn chặn Telegram theo đúng hướng dẫn từ phía Bộ Công an. Các doanh nghiệp viễn thông được yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện, kèm theo mô tả chi tiết các giải pháp kỹ thuật, về Cục Viễn thông trước ngày 2/6.

Đây là bước đi mạnh mẽ thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc làm sạch không gian mạng, bảo vệ an ninh quốc gia và người dân trước những mối nguy hại ngày càng tinh vi đến từ các nền tảng số không hợp tác, không kiểm soát. Nếu việc ngăn chặn được thực hiện quyết liệt và hiệu quả, nó sẽ góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh hơn tại Việt Nam trong thời gian tới.

Chi Chi (t/h)