Đóng góp tích cực, chủ động, trách nhiệmvà hiệu quả
Trong những ngày giữa tháng 11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và hàng nghìn đại biểu đã đến San Francisco, để cùng ngồi lại với chủ nhà Hoa Kỳ bàn về việc duy trì chuỗi cung ứng bền vững, chuyển đổi số, thương mại số, chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu, kinh tế xanh… - những vấn đề mà cả thế giới đều đang rất quan tâm, nhằm “Kiến tạo một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người”.
Diễn đàn càng ý nghĩa hơn khi diễn ra tại địa danh mà như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội đồng quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ (CFR), nơi các quốc gia đã ký kết Hiến chương thành lập Liên hợp quốc trên tro tàn của Thế chiến II – “sự kiện lịch sử thể hiện nguyện vọng chính đáng của các dân tộc về hòa bình và phát triển”.
Nằm bên bờ Thái Bình Dương, San Francisco trở thành “cây cầu” kinh tế văn hóa kết nối Hoa Kỳ và châu Á, với một phần ba dân số là người Hoa Kỳ gốc Á. San Francisco sở hữu những kết nối đa dạng và sâu sắc với APEC.
San Francisco không chỉ có tổng sản phẩm nội địa lớn (khoảng 500 tỷ USD), là khu vực kinh tế lớn thứ tư Hoa Kỳ, mà còn là trung tâm kinh tế lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ước tính, giao dịch thương mại hai chiều giữa thành phố này và các nền kinh tế APEC hàng năm có thể lên tới 100 tỷ USD.
Đặc biệt, Vịnh San Francisco chính là điểm đến, nơi đặt trụ sở của các công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới và là “cái nôi” của ngành công nghiệp sáng tạo, tiên phong toàn cầu.
Chính tại nơi đặc biệt như San Francisco, qua các phiên thảo luận đầu tiên, các bộ trưởng tài chính, ngoại giao, kinh tế đã nhất trí thông qua các khuyến nghị về cải cách cơ cấu APEC; kêu gọi các thành viên đẩy nhanh triển khai các cam kết của APEC, nhất là Lộ trình an ninh lương thực đến năm 2030, Lộ trình về kinh tế số/kinh tế Internet, Khuôn khổ và kế hoạch hành động giảm thiểu rủi ro thiên tai, Lộ trình chống khai thác và đánh bắt cá trái phép, không khai báo; và lộ trình về phụ nữ và tăng trưởng bao trùm...
Qua các phiên họp đầu tiên, đóng góp của Việt Nam về các biện pháp hướng đến mục tiêu quan trọng của APEC là tăng trưởng bền vững, bao trùm và xây dựng khu vực tự cường và kết nối được các thành viên APEC chia sẻ, đánh giá cao và được thể hiện trong các văn kiện và Tuyên bố của Hội nghị. Chẳng hạn, phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 34 (AMM 34) nhấn mạnh yêu cầu cần nâng cao sức cạnh tranh và tính tự cường của các nền kinh tế, ứng phó với thách thức về biến đổi khí hậu và suy giảm tăng trưởng, với ba ưu tiên trong hợp tác APEC, bao gồm tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh, tận dụng tiến bộ của khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng bền vững và bao trùm và lấy con người là trung tâm của hợp tác APEC.
Hình mẫu trong quan hệ quốc tế
Chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mang nhiều ý nghĩa hơn khi diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ vừa ghi dấu mốc quan trọng. Hai nước đã xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 9/2023.
Trong phát biểu tại CFR, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, “chưa bao giờ quan hệ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển tốt đẹp như ngày nay” và “thực sự là hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh. Kết quả này là do sự nỗ lực cùng nhau vượt qua những thử thách, thăng trầm lịch sử của nhiều thế hệ lãnh đạo và Nhân dân hai nước”.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, “việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Diễn đàn APEC năm nay thể hiện sự ủng hộ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương nói chung, cũng như đối với tiến trình APEC nói riêng, cũng là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương với Hoa Kỳ sau khi hai bên nâng cấp quan hệ”.
Các hoạt động tiếp xúc song phương của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các nhà lãnh đạo cấp cao, các đối tác, học giả và doanh nghiệp Hoa Kỳ, nhất là tại bang California sẽ là những hành động cụ thể, nhằm triển khai Tuyên bố chung về xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện; củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ phát triển ngày càng sâu sắc và thực chất, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và kết nối các địa phương.
Chủ tịch nước “tin tưởng vào triển vọng tươi sáng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, bởi nó phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tốt hơn cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới”.
Bên cạnh đó, các hoạt động tiếp xúc song phương của Chủ tịch nước với các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2023 góp phần đóng góp củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới; cũng như thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các đối tác tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người cũng như thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Chúng ta muốn ngày mai tốt hơn ngày hôm nay
Tuần lễ cấp cao APEC 2023 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu 25 năm Việt Nam tham gia APEC (1998-2023). Việt Nam tiếp tục xác định khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Diễn đàn APEC là ưu tiên quan trọng trong đường lối đối ngoại, trong chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích an ninh, phát triển và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.
Nhìn lại chặng đường 25 năm, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đánh giá, chúng ta có thể khẳng định, quyết định gia nhập APEC năm 1998 là một quyết định chiến lược trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, đặt nền tảng cho hội nhập toàn cầu và đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam, cũng như của khu vực.
Đúng vậy, trong một phần tư thế kỷ tham gia tiến trình APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả vào tất cả các lĩnh vực hợp tác, để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Đến nay, Việt Nam tiếp tục cam kết sẽ cùng các thành viên thúc đẩy tinh thần đối thoại, xây dựng, trách nhiệm, đề cao chủ nghĩa đa phương, cùng hợp tác, cùng hành động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của khu vực.
Với những mong muốn và mục tiêu khi tham dự Diễn đàn APEC, nhà lãnh đạo Việt Nam cùng chia sẻ quan điểm mà bà Katherine Tai, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, phát biểu tại một sự kiện khai mạc Tuần lễ APEC 2023 rằng, “Chúng ta có thể không giống nhau về vẻ bên ngoài, chúng ta cũng có thể nói những ngôn ngữ khác nhau và có nền giáo dục khác nhau, nhưng chúng ta có nhiều điểm chung hơn chúng ta nghĩ. Tất cả chúng ta đều muốn hòa bình. Tất cả chúng ta đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho những người thân yêu của mình. Và chúng ta muốn một ngày mai tốt hơn ngày hôm nay”.
Đây cũng là điểm nhấn mạnh trong phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại CFR, “Việt Nam luôn luôn mong muốn hòa bình, hợp tác và phát triển trong một thế giới mà các quốc gia cùng nhau xây dựng tầm nhìn, cùng nhau hợp tác, cùng chia sẻ trách nhiệm, vì lợi ích của người dân và của cộng đồng quốc tế”.
Trong khuôn khổ chương trình, ngày 17/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC thảo luận những vấn đề có ý nghĩa then chốt đối với kinh tế thế giới và khu vực; đề ra những định hướng hợp tác về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.
Phát biểu dẫn đề tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (ngày 15/11) quy tụ hơn 2.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và APEC, Chủ tịch nước truyền tải thông điệp đến cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay đóng góp, vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để thúc đẩy phát triển bền vững của khu vực và từng nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
PV/Báo Quốc tế