Nhận định trên được nhiều chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) diễn ra ngày 8/11 tại TP. HCM.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư toàn cầu - Ảnh: VGP/Anh Lê
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư toàn cầu. Ảnh VGP/Anh Lê.

Thực tế, với sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô, chính sách đầu tư hạ tầng và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, Việt Nam đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư toàn cầu là có thật.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng ADB nhận định, trong năm 2024, hai động lực tăng trưởng nổi bật là dòng vốn FDI tiếp tục duy trì xu hướng tích cực và xuất khẩu tăng trưởng nhanh. Trong khi đó bước sang 2025, xu hướng chung của thị trường thế giới là hạ nhiệt, nên triển vọng tăng trưởng xuất khẩu 2025 có thể không cao như kết quả của 2024, vị chuyên gia này kỳ vọng "đòn bẩy tăng trưởng năm 2025 là chi tiêu công kéo theo tiêu dùng nội địa và đầu tư nội địa".

Chuyên gia Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, năm 2025 kỳ vọng yếu tố sẽ dẫn dắt tăng trưởng là cầu đầu tư, một phần từ đầu tư nhà nước và phần khác là kỳ vọng đầu tư tư nhân cải thiện cùng với sự phục hồi kinh tế.

Ảnh internet.
Việt Nam đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư toàn cầu. Ảnh internet.

Tại diễn đàn, các diễn giả đã phân tích các biến số vĩ mô trong nước và quốc tế trong năm 2025, đưa ra những dự báo chính sách tiền tệ và tài khóa, tác động lên môi trường kinh doanh và đầu tư, phân tích về các yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư toàn cầu và đầu tư vào Việt Nam.

Quan điểm chung của các diễn giả đều cho rằng, với sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô, chính sách đầu tư hạ tầng và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, Việt Nam đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư toàn cầu. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần nắm bắt những cơ hội này để xây dựng chiến lược phát triển bền vững và hiệu quả trong giai đoạn tới.

Các chuyên gia đều chung nhận định, cơ hội của nền kinh tế Việt Nam trong năm tới sẽ đến từ sự cải thiện nội lực. Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, cải cách thể chế cùng với các quyết sách dự án đầu tư mới sẽ là hai yếu tố then chốt mở ra kỳ vọng lạc quan cho những năm tiếp theo.

Về cải cách thể chế, ông Phan Đức Hiếu cho hay Quốc hội dự kiến sẽ xem xét nhiều Nghị quyết thí điểm để giải quyết ngay các vấn đề cấp bách, chưa đủ cơ sở xây dựng thành luật, chẳng hạn như Nghị quyết thí điểm giải quyết vấn đề nhà ở thương mại.

Ảnh báo Quân đội Nhân dân.
Việt Nam đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư toàn cầu. Ảnh báo Quân đội Nhân dân.

Còn về các quyết sách đầu tư công, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh đến chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Đồng thời kỳ vọng vào hiệu quả kinh tế-xã hội tác động từ việc phát triển hệ thống đường sắt cao tốc này, sẽ là động lực tạo nên những không gian kinh tế mới, bố trí lại các khu vực dân cư, tạo ra những động lực phát triển kinh tế-xã hội mới.

Giáo sư Nguyễn Thị Xuân Thuý, Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất: Việt Nam cần xây dựng bộ chỉ số FDI để tận dụng được tối đa những lợi ích từ việc thu hút FDI, từ đó có cơ sở dữ liệu phục vụ cho cơ quan tư vấn chính sách nhằm đánh giá tác động của nguồn vốn FDI lên nền kinh tế. Đồng thời, cần thay đổi chiến lược thu hút đầu tư, chuyển từ ưu đãi trước đầu tư sang ưu đãi sau đầu tư kết hợp với đa dạng hoá nhà đầu tư, tránh phụ thuộc quá mức vào một (vài) nhà đầu tư lớn. 

“Không những thế, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, tăng tính chống chịu, bền vững thông qua việc liên kết FDI với doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp xanh, chuyển đổi năng lượng; phát triển năng lực công nghệ sản xuất cơ bản để có thể phục vụ mô hình kinh tế tuần hoàn; và môi trường chính sách minh bạch, dài hạn dễ dự báo…”, Giáo sư Thúy gợi ý.

PV (t/h)