Theo dữ liệu Chỉ số Phục hồi COVID-19 (COVID-19 Recovery Index) mà Nikkei công bố cho tháng 5, Việt Nam tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14. Nikkei cũng lưu ý, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á miễn tất cả các quy định về xét nghiệm, tiêm chủng và cách ly cho khách du lịch nước ngoài.

Chỉ số Phục hồi COVID-19 đánh giá các quốc gia và vùng lãnh thổ trong ứng phó với lây nhiễm, triển khai tiêm vaccine COVID-19 và tính di chuyển trong xã hội. Xếp hạng càng cao, quốc gia và vùng lãnh thổ đó càng gần với khả năng phục hồi. Đặc trưng của chỉ số này là tỉ lệ lây nhiễm, tử vong thấp, mức độ tiêm chủng tốt hơn, các hạn chế di chuyển tốt hơn.

Việt Nam đứng thứ 14 về Chỉ số Phục hồi COVID-19
Việt Nam đứng thứ 14 về Chỉ số Phục hồi COVID-19.

Năm 2021, cả Việt Nam và Philippines đều ở vị trí cuối trong bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi COVID-19. Nhưng theo dữ liệu của tháng 5, Việt Nam tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14. Việt Nam và Philippines thể hiện tốt nhất trong Chỉ số Phục hồi COVID-19 (COVID-19 Recovery Index) của Nikkei cho tháng 5 khi cả 2 nước đều nỗ lực nới lỏng các quy định phòng ngừa đồng thời giữ cho lây nhiễm ở mức thấp.

Trong bài viết về việc thăng hạng của Việt Nam trong Chỉ số Phục hồi COVID-19 công bố ngày 3/6, Nikkei chỉ ra, với hơn 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ và 60% được tiêm liều nhắc lại, Việt Nam nhận được 27/30 điểm về khả năng tiêm chủng. Vaccine COVID-19 được triển khai ở Việt Nam tính đến ngày 8/5 gồm 46% là vaccine mRNA do Pfizer và Moderna sản xuất, 28% là vaccine vector virus của AstraZeneca và 23% là vaccine thông thường từ nhà sản xuất Trung Quốc.

Cũng thăng hạng tương tự như Việt Nam, Philippines tăng 40 bậc trong bảng xếp hạng, lên vị trí thứ 33 nhờ lây nhiễm COVID-19 giảm. Số ca COVID-19 hằng ngày ở nước ngày giảm xuống dưới 200 ca trong tuần qua, không có ca tử vong nào được ghi nhận. Từ tháng 2, quốc gia Đông Nam Á này đã mở cửa trở lại biên giới cho du khách quốc tế tiêm chủng đầy đủ. Tuần này, Philippines cũng bỏ yêu cầu du khách nước ngoài đã tiêm liều nhắc lại phải trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính khi nhập cảnh.

Campuchia và Hàn Quốc lần lượt dẫn đầu các quốc gia châu Á khi ở vị trí thứ 2 và 8 trong Chỉ số phục hồi COVID-19 của Nikkei. Cả Campuchia và Hàn Quốc đều đang triển khai sống chung với virus và có tỉ lệ tiêm chủng cao.

Trung Quốc tăng một bậc lên vị trí thứ 93. Điểm số về tính di động của nước này giảm xuống mức thấp kỷ lục 4,5/30, thấp nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác do Trung Quốc vẫn đang triển khai các biện pháp hạn chế để ngăn chặn bùng phát dịch bệnh. Số liệu mới nhất cho thấy lượng hành khách vận chuyển công cộng tại 36 thành phố lớn ở Trung Quốc đã giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2019.

Các chuyên gia của Economist Intelligence Unit nhận định, chính sách "zero-COVID" của Trung Quốc khó có thể kết thúc cho đến sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dự kiến ​​được tổ chức vào tháng 11 năm nay. Điều này có nghĩa là biên giới của Trung Quốc sẽ vẫn đóng cửa trong thời gian tới, làm chậm sự phục hồi của ngành du lịch toàn cầu và thị trường Châu Á nói riêng. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong phục hồi du lịch năm 2023.

Trong khi đó, theo kết quả mới công bố, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục giảm thứ hạng trong bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi COVID-19, xuống vị trí thứ 113 trong bối cảnh hòn đảo đang ứng phó với tăng lây nhiễm và tử vong do COVID-19.

Ngày 4/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 05/2022, tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ngân sách nhà nước trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp do cạnh tranh chiến lược giữa các nước, chiến sự ở Ukraine vẫn kéo dài, khó đoán định, Thủ tướng đánh giá thực trạng này đã tác động tới kinh tế toàn cầu, tăng trưởng chậm lại, rủi ro lạm phát, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá dầu. Các vấn đề về an ninh phi truyền thống, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu… diễn biến phức tạp.

Trong nước, tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Với việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tỉ lệ bao phủ vắc xin và mở cửa nền kinh tế, Việt Nam tăng 48 bậc, xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi COVID-19 của Nikkei Asia. Để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, Chính phủ đã ban hành 6 nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 quyết định để triển khai chương trình phục hồi và phát triển.

Minh An (T/h)