Việt Nam đứng đầu về năng suất trồng cà phê khi đạt 2,4 tấn/ha.

Được biết, một trong những nguyên nhân giúp xuất khẩu cà phê tăng trưởng tích cực đó là ngành hàng này đã chú trọng vào tăng tỷ trọng xuất khẩu cà phê qua chế biến, thay vì đa phần là xuất thô như trước.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Trong khi nhiều người tiêu dùng ở Việt Nam ưa chuộng cà phê Robusta, thị hiếu của thế giới đa phần lại ưa chuộng cà phê Arabica.

Hiện nay, cả nước có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân với tổng công suất thiết kế 1,5 triệu tấn/năm; 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, tổng công suất thiết kế 51,7 nghìn tấn sản phẩm/năm; 8 cơ sở sản xuất cà phê hòa tan, tổng công suất thiết kế 36,5 nghìn tấn sản phẩm/năm; 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn, tổng công suất thiết kế 139,9 nghìn tấn sản phẩm/năm.

Cà phê là một trong 6 mặt hàng xuất khẩu, đạt trên 3 tỷ USD/năm. Các thị trường xuất khẩu cà phê chính của Việt Nam bao gồm: Châu Âu, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh. Tại thị trường châu Âu, Việt Nam là nhà cung ứng cà phê lớn thứ hai sau Brazil (22,2%), chiếm 16,1% thị phần về lượng.

Mục tiêu từ nay đến năm 2025 cả nước sẽ trồng tái canh 75.000 ha, ghép cải tạo 32.000 ha cà phê, trong đó cà phê Arabica chiếm khoảng 20% tổng diện tích. Ngoài ra, hầu hết diện tích cà phê tái canh được trồng bằng giống mới, cho năng suất cao và chất lượng vượt trội.

Bộ Công Thương, ngành cà phê cần tạo ra những sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao có giá trị gia tăng trên thị trường, trong đó, chú trọng khai thác tối đa lợi thế của chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm cà phê của Việt Nam để xuất khẩu và bán sản phẩm ra hệ thống phân phối của nước ngoài bằng thương hiệu cà phê mang chính tên mình.

Để phát triển bền vững ngành cà phê, trước đó tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị, Bộ NN&PTNT và các địa phương đẩy mạnh cơ cấu lại ngành cà phê, thực hiện hiệu quả tái canh cà phê, hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị cà phê; đẩy mạnh công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng; thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.

Phó thủ tướng cũng lưu ý cần nắm bắt xu thế tiêu dùng của thị trường, phải xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của tỉnh. Cần xúc tiến mối quan hệ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng cà phê; đa dạng kết nối người sản xuất với người tiêu dùng. Đẩy mạnh phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản với hương vị đặc thù được chứng nhận quốc tế.

Lê Pháp (T/h)