Chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2023, Diễn đàn Đầu tư Việt Nam-OECD diễn ra tại Hà Nội với hơn 150 đại biểu tham dự.

Diễn đàn Đầu tư Việt Nam-OECD là một trong những sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Đông Nam Á của OECD (SEARP) năm 2023 do Việt Nam và Australia đồng chủ tịch. (Ảnh: Tuấn Việt)
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam-OECD là một trong những sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Đông Nam Á của OECD (SEARP) năm 2023 do Việt Nam và Australia đồng chủ tịch. Ảnh Tuấn Việt.

Tham dự Diễn đàn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, cùng các Đại sứ, lãnh đạo các bộ, ngành từ các quốc gia thành viên OECD và Đông Nam Á, các tổ chức quốc tế, chuyên gia và đông đảo đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, với chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo…

Bộ trưởng mong muốn OECD và các đối tác nước ngoài tiếp tục hợp tác, hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong việc tham vấn, đề xuất chính sách và ý tưởng đầu tư mới, chuyển giao các giải pháp, công nghệ hiện đại, mô hình kinh tế mới, thu hút nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển từ các quỹ đầu tư, các định chế tài chính và đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia.

Ảnh internet.
 Việt Nam là điểm đến đầu tư tiềm năng trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ. Ảnh internet.

Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann bày tỏ ấn tượng với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, là nước ASEAN phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19. Ông cho biết, trong bối cảnh đầu tư toàn cầu giảm sút, Việt Nam vẫn nằm trong số các nước có mức thu hút đầu tư lớn, đứng thứ ba tại khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2013-2022.

Tổng Thư ký nhấn mạnh, OECD cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu xây dựng kinh tế xanh, bền vững và hiệu quả thông qua việc triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện Biên bản ghi nhớ Việt Nam-OECD giai đoạn 2022-2026, cụ thể qua 03 lĩnh vực chủ chốt: hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện các cải cách để thu hút đầu tư chất lượng cao; và hỗ trợ Việt Nam triển khai thuế tối thiểu toàn cầu.

Các diễn giả nhận định, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư, kinh doanh lâu dài tại khu vực, đặc biệt tiềm năng trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tài chính, công nghệ năng lượng mới.

Phiên thảo luận đầu tiên tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam-OECD 2023 với chủ đề: 'Thu hút đầu tư bền vững và chất lượng tại Việt Nam'. (Ảnh: Tuấn Việt)
Phiên thảo luận đầu tiên tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam-OECD 2023 với chủ đề: 'Thu hút đầu tư bền vững và chất lượng tại Việt Nam'. Ảnh Tuấn Việt.

Để tiếp tục thu hút nguồn đầu tư bền vững và chất lượng, Việt Nam và các nước Đông Nam Á cần duy trì tạo thuận lợi cho phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hoá, phát triển kinh tế xanh. Ngoài ra, cần thu hút FDI bảo đảm chất lượng, trong đó khuyến khích các nguồn đầu tư phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh, bối cảnh môi trường đầu tư toàn cầu thay đổi đem lại nhiều cơ hội và thách thức cho các nước Đông Nam Á, đòi hỏi chính phủ và doanh nghiệp các nước cần liên tục cập nhật về các tiêu chuẩn, quy định và xu hướng đầu tư nhằm có những điều chỉnh chính sách kịp thời để tận dụng cơ hội cũng như hạn chế rủi ro từ những thay đổi này.

Thứ trưởng cho biết, trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế Việt Nam với ổn định vĩ mô, đà tăng trưởng được duy trì và mạng lưới liên kết năng động sẽ là điểm đến hứa hẹn cho các khoản đầu tư bền vững và chất lượng, nguồn vốn xanh, công nghệ xanh của các đối tác, nhà đầu tư; bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nước thành viên OECD thông qua quan hệ đối tác, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế số, AI, chuyển đổi năng lượng, phát triển thị trường carbon…

PV/baoquocte.vn