Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Việt Nam mở rộng xuất khẩu thủy sản sang thị trường ngách

Ảnh hưởng lạm phát, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang một số thị trường chính bị ảnh hưởng đáng kể. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã chuyển hướng mở rộng xuất khẩu sang thị trường ngách.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 2022 là một năm có nhiều biến động và khó khăn đối với ngành thuỷ sản. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thị trường xuất khẩu chính bị tác động khá mạnh.

Chẳng hạn mặt hàng cá tra, trong tháng 09/2022, mặc dù kim ngạch xuất khẩu vẫn cao gấp đôi so với cùng thời điểm năm 2021, nhưng lại là mức thấp nhất kể từ đầu năm. Tình hình lạm phát tăng cao và sự mất giá tiền tệ tại nhiều thị trường nhập khẩu đã đến giai đoạn ngấm sâu và ảnh hưởng nặng nề đối với tầng lớp người tiêu thụ có mức thu nhập trung bình hoặc thấp, buộc phải cân nhắc, tính toán kỹ trong chi tiêu.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Do vậy, đây là thời điểm lạm phát làm giảm nhu cầu đối với cả các mặt hàng thực phẩm có giá vừa phải như cá tra, vốn phù hợp với túi tiền của đại đa số người bình dân các nước, khiến mức tiêu thụ giảm đi.

Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc vốn được đánh giá là điểm đến lạc quan nhất của doanh nghiệp cá tra trong những tháng cuối năm, nhưng xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong tháng 09, dù ghi nhận mức tăng trưởng khủng 190% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng so với tháng trước vẫn thấp hơn, cho thấy xuất khẩu sang thị trường này đã bị tác động bởi lạm phát gia tăng.

Theo đó, trong tháng 09/2022, Trung Quốc đã nhập khẩu cá tra Việt Nam với trị giá 49 triệu USD, thấp hơn đáng kể so với 64 triệu USD trong tháng Tám và giảm cả nhu cầu nhập khẩu với cá tra phile và cá tra nguyên con đông lạnh.

Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù nhu cầu nhập khẩu của thị trường Trung Quốc vẫn rất cao và gần như quay trở về mức như trước đại dịch, nhưng sự rớt giá đồng NDT xuống mức thấp nhất 30 năm so với đồng USD, ảnh hưởng mạnh đến các nhà nhập khẩu nên họ cũng cầm chừng hơn khi nhập khẩu hàng.

Nhận định về thị trường này ở góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho rằng, dư địa vào thị trường Trung Quốc còn rộng vì đây vừa là thị trường đông dân nhất thế giới, vừa có nhu cầu nhập nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải tự nâng cấp sản phẩm vào thị trường Trung Quốc vì nước này đang đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, hướng đến tiêu chuẩn của các thị trường cao cấp như EU và Hoa Kỳ.

Cùng với đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất sản phẩm thủy sản của Việt Nam, nhưng liên tiếp trong mấy tháng gần đây có xu hướng giảm nhập khẩu. Cụ thể, tháng Sáu giảm 8%, tháng Bẩy giảm đến 23% so với tháng trước đó.

Trước những biến động khó lường, nhưng với sự nỗ lực vượt khó, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã biến thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các FTA cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022. Với sự nỗ lực trên, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã mang về kết quả rất khả quan. Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu thuỷ sản cả nước đã mang về 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mở rộng thị trường ngách

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Công ty CP tập đoàn Minh Phú đã gia tăng xuất khẩu tôm sang thị trường Australia. Hiện tỷ trọng tôm xuất khẩu của công ty này sang Australia chiến tới hơn 15,5%.

Tương tự, từ đầu năm 2022 đến nay, để gia tăng sản lượng tôm xuất khẩu sau đại dịch, Công ty CP Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau cũng thực hiện phương án gia tăng xuất khẩu sang thị trường ngách, trong đó có Australia. Hiện tỷ trọng xuất khẩu tôm của Công ty CP Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau đang đứng đầu danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam, với tỷ trọng gần 18%.

Ngoài 02 doanh nghiệp nêu trên, theo VASEP, hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang gia tăng xuất khẩu tôm sang thị trường Australia. Tính tới 15/10/2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia đạt gần 214 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong “top” các thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia trong 09 tháng năm 2022 liên tục tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái. Ngày 19/08/2022, Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia có thông báo bổ sung tôm tẩm bột/ breaded, battered, or crumbed (BBC) và tôm siêu chế biến chưa được làm chín/ highly processed (HP) vào danh sách các mặt hàng được hưởng ưu đãi theo Chương trình can thiệp ưu đãi (CBIS) - Cơ chế dành ưu đãi cho hàng hóa là thực vật nhập khẩu vào Australia được hưởng tỷ lệ kiểm tra an toàn sinh học ít hơn. Quy định nới lỏng này của Australia kỳ vọng sẽ giúp cho xuất khẩu tôm chế biến từ Việt Nam sang Australia từ nay đến cuối năm tăng trưởng tốt hơn.

Cùng với Australia, Philippines là một trong số các thị trường tăng trưởng mạnh nhập khẩu thuỷ sản từ Việt Nam, với hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu các mặt hàng thuỷ hải sản sang thị trường này. Hiện Philippines vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn thứ 13 của thuỷ sản Việt Nam, tăng 10 bậc so với năm 2020.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP, EU và nhiều thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản đang "ngấm đòn" nặng nề từ lạm phát. Bắt đầu vào những tháng cuối năm, giá cả hàng hoá và sinh hoạt đều tăng, do vậy người tiêu dùng phải cân nhắc và thắt chặt chi tiêu.

Xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU cũng như một số thị trường lớn khác bắt đầu chững lại từ tháng 9 và sẽ tiếp tục khó khăn hơn trong những tháng cuối năm.

Đơn hàng nhập khẩu mới có xu hướng thấp hơn mọi năm, nhiều đơn hàng bị đề nghị hoãn giao hàng, gây khó cho nhà xuất khẩu. Chính vì thế, việc mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường ngách đang là hướng đi của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Lê Pháp (t/h)

Bài liên quan

Tin mới

Bình Định: Tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trước hạn, đúng hạn đạt 99,84%
Bình Định: Tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trước hạn, đúng hạn đạt 99,84%

Văn phòng UBND tỉnh Bình Định vừa công bố Danh sách các cá nhân giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn, quá hạn trong Quý 1 và tháng 4/2024. Theo đó, riêng quý 1/2024, toàn tỉnh có 99,84% hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trước hạn, đúng hạn.

Khắc phục nguồn nước cấp không đảm bảo chất lượng xảy ra tại Nhà máy Bia Sài Gòn - Lâm Đồng
Khắc phục nguồn nước cấp không đảm bảo chất lượng xảy ra tại Nhà máy Bia Sài Gòn - Lâm Đồng

Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng báo cáo UBND tỉnh về việc nguồn cấp nước không đảm bảo chất lượng, không ổn định tại Khu công nghiệp Lộc Sơn.

UBND TP. Hà Nội sẽ thực hiện kiểm tra, đánh giá các dự án trên địa bàn năm 2024
UBND TP. Hà Nội sẽ thực hiện kiểm tra, đánh giá các dự án trên địa bàn năm 2024

UBND TP.Hà Nội vừa có Văn bản số 70/KH-UBND về việc kiểm tra, đánh giá các dự án trên địa bàn năm 2024, dựa trên đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Phú Yên xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP ASTA HEALTHCARE USA
Phú Yên xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP ASTA HEALTHCARE USA

Công ty cổ phần ASTA HEALTHCARE USA bị xử phạt do thay đổi thiết kế (tăng diện tích sàn) mà không lập thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng tại dự án nhà máy về dược phẩm tại Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1.

Những thông tin đáng chú ý của thị trường tài chính trong 24h qua
Những thông tin đáng chú ý của thị trường tài chính trong 24h qua

VN-Index mất thêm gần 20 điểm; Tỷ giá tăng 4,9%, Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ can thiệp; Margin "phình to" quý I và câu trả lời cho đà giảm của VN-Index; Mùa đại hội cổ đông, mùa tái cấu trúc doanh nghiệp!; Châu Á ra sức hỗ trợ tiền tệ khi đồng đô la tăng mạnh…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 20/4
Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 20/4

Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 20/4 về các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.