"Đây là tuyên bố độc lập của chúng ta", Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh trong buổi lễ tại Vườn Hồng của Nhà Trắng rạng sáng 3/4 (theo giờ Việt Nam). Nhà lãnh đạo Mỹ giơ tấm bảng ghi cụ thể từng mức thuế đối ứng sẽ áp dụng với hàng chục nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
Mức thuế "cơ bản" áp dụng với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ là 10%. Một số quốc gia nằm trong nhóm này gồm Anh, Brazil, Singapore, Úc, Chile, Argentina, Saudi Arabia,...
Liên minh Châu Âu (EU), Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu mức thuế từ 20 - 26%. Đáng chú ý, Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm bị áp mức thuế đối ứng cao nhất, Trung Quốc 34% và Việt Nam 46% cho 90% hàng hóa; 25% đối với 50% hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, 24% đối với 46% hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, 32% đối với 64% hàng nhập khẩu từ Đài Loan.
Tấm bảng được ông Trump cầm cũng đưa ra lập luận cho mức thuế đối ứng là mức thuế các nền kinh tế đang áp cho hàng hóa Mỹ. Ví dụ Việt Nam, Trung Quốc và EU đang áp mức thuế lần lượt 90%, 67%, 39% với hàng hóa Mỹ. Không có lời giải thích cụ thể nào cho cách tính của Washington.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết mức thuế cơ bản 10% sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/4 tới. Trong khi đó, với các nền kinh tế chịu mức thuế cao hơn, việc thực thi sẽ bắt đầu từ ngày 9/4.
Canada và Mexico, hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, do đã bị áp thuế quan 25% từ trước nên sẽ không bị áp thêm thuế quan đối ứng. Thuế này cũng không áp lên một số hàng hóa nhất định, gồm kim loại đồng, dược phẩm, con chip, gỗ, vàng, năng lượng và “một số khoáng sản không sẵn có tại Mỹ” - theo một tài liệu của Nhà Trắng.
Ông Trump cũng đang có kế hoạch đánh thuế quan đối với một số ngành hàng cụ thể gồm con chip, dược phẩm và thậm chí các khoáng sản quan trọng - vị quan chức cho biết. Thuế quan 25% mà ông Trump áp lên ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu vào tuần trước sẽ có hiệu lực từ ngày thứ Năm tuần này.
Trước đó, trong nhiệm kỳ thứ hai này, ông đã áp thuế quan 20% lên Trung Quốc, 25% lên Mexico và Canada, và 25% lên tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ.
Theo quan điểm của ông Trump, thuế quan là công cụ hiệu quả để giải quyết một loạt vấn đề lớn của Mỹ, gồm mất cân đối thương mại, chống chất gây nghiện fentanyl, kiểm soát người nhập cư bất hợp pháp, và khôi phục nền sản xuất Mỹ.
Trong khi đó, giới chuyên gia kinh tế cảnh báo thuế quan có thể khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc, đẩy cao nguy cơ suy thoái và khiến chi phí sinh hoạt của hộ gia đình trung bình ở Mỹ tăng thêm hàng nghìn USD mỗi năm. Doanh nghiệp phàn nàn rằng bấp bênh về thuế quan khiến họ khó lên kế hoạch sản xuất - kinh doanh hơn.
Thuế quan của ông Trump cũng đã khiến hoạt động sản xuất trên toàn cầu giảm tốc, đồng thời khiến người tiêu dùng Mỹ chạy đua mua ô tô và nhiều sản phẩm nhập khẩu khác vì lo ngại những hàng hóa này sẽ tăng giá chóng mặt sau khi thuế quan được áp.
Thiên Trường (t/h)