THCL - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 07/2017/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Việt Nam sẽ cấp thị thực điện tử cho công dân 40 nước - Hình 1Thay vì phải đến trực tiếp cửa khẩu quốc tế để xin thị thực, người nước ngoài tại các quốc gia được quy định có thể xin thị thực điện tử qua Internet từ tháng 2/2017 (Ảnh Tuyến Phan)

Theo đó, bắt đầu từ đầu tháng 2/2017, người nước ngoài là công dân của 40 quốc gia được lựa chọn sẽ có thể xin thị thực trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh (http://www.immigration.gov.vn) thay vì phải đến trực tiếp cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài hoặc cửa khẩu quốc tế. Sau khi có thị thực này, người nước ngoài sẽ nhập cảnh, xuất cảnh qua các cửa khẩu hàng không, đường bộ và đường biển.

Theo nghị định, người nước ngoài đề nghị cấp thị thực điện tử thực hiện như sau:

1 - Truy cập Trang thông tin cấp thị thực điện tử để khai thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử, tải ảnh và trang nhân thân hộ chiếu theo mẫu.

2- Nhận mã hồ sơ điện tử và nộp phí cấp thị thực vào tài khoản quy định tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử và phí cấp thị thực, Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết, trả lời người đề nghị cấp thị thực điện tử tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử.

Theo Thiếu tướng Lê Xuân Viên, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Tổng cục An ninh, Bộ Công an), ngày hôm nay (25/1), Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Người nước ngoài đề nghị cấp thị thực điện tử chỉ cần truy cập vào trang web trên, khai thông tin theo mẫu, tải ảnh và trang nhân thân hộ chiếu. Mức phí cấp thị thực là 25USD và được nộp thẳng vào tài khoản quy định.

Bên cạnh việc cấp thị thực điện tử theo nhu cầu cá nhân, cổng thông tin cũng tiếp nhận việc cấp thị thực điện tử theo đề nghị của cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh. Các tổ chức này trước khi đề nghị cấp thị thực cho người nước ngoài phải đăng ký tài khoản điện tử theo quy định và có chữ ký điện tử theo quy định của Luật giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn.Thời gạn để xem xét giải quyết cũng trong 3 ngày kể từ khi nhận đầy đủ thông tin và lệ phí.

Người đứng đầu Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhấn mạnh: 40 quốc gia được lựa chọn để cấp thị thực điện tử đều có quan hệ ngoại giao với Việt Nam, dựa trên Nghị quyết 30 của Quốc hội, phù hợp với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của nước ta. Công dân từ các quốc gia này cũng không làm phương hại đến an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội trong nước.

Thời hạn thực hiện thí điểm kéo dài trong 2 năm. Sau thời gian này, các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

 Danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử:

Azerbaijan, Argentina, Armenia, Ireland, Ba Lan, Belarus, Bulgaria, Brunei, Hàn Quốc, Đức, Chile, Colombia, CH Séc, Cuba, Đan Mạch, Đông Timor, Mỹ, Hungary, Hy Lạp, Italia, Kazakhstan, Nga, Anh, Luxembourg, Myanmar, Mông Cổ, Nhật Bản, Panama, Peru, Phần Lan, Pháp, Philippines, Romania, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Trung Quốc (không áp dụng với công dân mang hộ chiếu phổ thông điện tử), Uruguay, Venezuela, Na Uy và Slovakia.

Danh sách cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử:

- Cửa khẩu đường không: Sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sân Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng, Cát Bi, Cần Thơ, Phú Quốc, Phú Bài.

- Cửa khẩu đường bộ: Cửa khẩu quốc tế Móng Cái/Quảng Ninh, Hữu Nghị/Lạng Sơn, Lào Cai/Lào Cai, Nậm Cắn/Nghệ An, Cầu Treo/Hà Tĩnh, Cha Lo/Quảng Bình, Lao Bảo/Quảng Trị, Bờ Y/Kon Tum, Mộc Bài/Tây Ninh, Xa Mát/Tây Ninh, Tịnh Biên/An Giang, Sông Tiền/An Giang, Hà Tiên/Kiên Giang.

- Cửa khẩu đường biển: Cửa khẩu Cảng Hòn Gai/Quảng Ninh, Cảng Hải Phòng/Hải Phòng, Cảng Nha Trang/Khánh Hòa, Cảng Đà Nẵng/Đà Nẵng, Cảng Quy Nhơn/Bình Định, Cảng Vũng Tàu/Bà Rịa Vũng Tàu, Cảng TPHCM/TPHCM

Phan Chinh