Cụ thể, vị trí của Việt Nam được cải thiện, tăng 2,5 điểm, nâng thêm 3 bậc, từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về thương hiệu quốc gia và những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được trong năm qua.
Theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu. Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Về vai trò của “quyền lực mềm” đối với tăng trưởng GDP, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nói rằng Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm (từ 136% năm 2010 lên xấp xỉ 200% vào năm 2019). Vì vậy, thương hiệu sản phẩm của quốc gia nào chiếm lĩnh thị trường quốc tế càng lớn thì quốc gia đó càng hùng mạnh. Đặc biệt khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc xây dựng thương hiệu càng có ý nghĩa và vai trò quan trọng.
Thời gian tới, để xây dựng và phát huy sức mạnh mềm của mình, theo ông Phú, trước hết, Việt Nam cần xây dựng định hướng chiến lược về phát huy sức mạnh mềm một cách bài bản, dài hạn trong thời kỳ mới, đặc biệt trong kỷ nguyên số. Cùng đó, cần nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển khoa học - công nghệ…
Huy Trung