Cụ thể, để sầu riêng xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc, phía bạn yêu cầu phải đảm bảo quy trình nghiêm ngặt, như mã vùng trồng, quy trình phòng, chống dịch COVID-19. Trước khi thông quan, quả sầu riêng được cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai kiểm tra nguồn gốc truy xuất, mã vùng trồng, tiến hành phun khử khuẩn phòng, chống dịch COVID-19. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai đã tạo điều kiện trong việc giải quyết thủ tục xuất - nhập khẩu, đảm bảo thông quan nhanh nhất.
Ông Phạm Hùng, Phó Trưởng Ban Quản lý Cửa khẩu Lào Cai cho biết, đơn vị đã trao đổi với phía Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) bố trí công nhân bốc xếp, phương tiện sang tải để lô hàng quả sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc được thuận lợi và nhanh nhất. Việc sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là tin vui đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Thời gian qua, lực lượng chức năng tại cửa khẩu của Lào Cai (Việt Nam) và Hà Khẩu (Trung Quốc) đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh năng lực thông quan hàng nông sản của Việt Nam. Dự kiến thời gian tới, khi chính sách phòng, chống dịch COVID-19 của Trung Quốc được nới lỏng, một số loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như thanh long, chuối, sầu riêng sẽ thông quan thuận lợi hơn qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.
Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức phê duyệt 51 mã số vùng trồng, 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo quy định của Nghị định thư do Trung Quốc và Việt Nam ký kết, trước khi bắt đầu giao thương, phía Trung Quốc sẽ tiến hành rà soát việc tuân thủ Nghị định thư đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc.
Sau khi xem xét, đánh giá, phía Trung Quốc cho rằng các vườn sầu riêng và nhà máy đóng gói của Việt Nam về cơ bản có thể tiến hành trồng, sản xuất, chế biến theo đúng yêu cầu của Nghị định thư, công tác kiểm dịch, giám sát đã được thực hiện tốt. Hệ thống phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 của các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn, về cơ bản có thể đảm bảo rằng sầu riêng Việt Nam đáp ứng các yêu cầu vệ sinh nhập khẩu và an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Đồng thời, phía Trung Quốc cũng cảnh báo một số vấn đề cần khắc phục như: Một số vườn trồng còn lẫn các loại cây khác ngoài sầu riêng như ngô, cà phê, ổi... mà chưa có biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm chéo và lây lan của sâu bệnh giữa các loài khác nhau; một số vườn cây ăn quả chưa thực hiện theo dõi dịch hại, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của quy trình; trình độ quản lý của các cơ sở đóng gói còn có sự chênh lệch và một số nhà xưởng cần cải tạo để đảm bảo vệ sinh môi trường tổng thể. Về các biện pháp phòng chống COVID-19, một số nhà máy và vườn cây ăn quả chưa có phương tiện rửa tay, chỉ khử trùng.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất toàn cầu. Số liệu thống kê cho thấy, sầu riêng nhập khẩu của Trung Quốc liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2021, nước này đã nhập hơn 822.000 tấn sầu riêng với tổng kim ngạch lên tới 4,2 tỷ USD, tăng gấp 8 lần chỉ trong vòng 5 năm, so với mức 550 triệu USD của năm 2017. 6 tháng đầu năm 2022, lượng nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh 60%.
Theo số liệu trong nước, từ trước năm 2019, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, hàng năm 70% sản lượng sầu riêng của Việt Nam được xuất sang thị trường khổng lồ này. Sau 04 năm vắng bóng, sầu riêng Việt đang đứng trước cơ hội quay trở lại thị trường Trung Quốc một cách đầy ngoạn mục dựa trên kinh nghiệm thành công của thanh long tại quốc gia này.
Hoàng Thăng (t/h)