Không xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ?

Dự án “Khu cứu hộ động vật, thực vật hoang dã và mở rộng vườn thực vật “ - do BQL Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (BQL VQG PN-KB) làm chủ đầu tư với tổng diện tích là 8,61 ha. Trong đó, có các hạng mục như sân đường, nhà kho, bãi đỗ xe, các khu chức năng, chuồng trại và nhà làm việc. Dự án, có tổng mức đầu tư hơn 8.4 tỷ đồng (trích từ nguồn thu phí Phong Nha – kẻ Bàng thuộc ngân sách tỉnh).

Dự án, đã được UBND tỉnh Quảng Bình ký phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ - thuật xây dựng công trình. Tuy nhiên, trong khi chờ các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ rừng tự nhiên sang sử dụng mục đích khác và quyết định giao đất, thì chủ đầu tư dự án đã cho đơn vị thi công vào đào bới, triển khai dự án.

Viết tiếp bài Dự án “Khu cứu hộ động vật, thực vật hoang dã và mở rộng vườn thực vật

Bất chấp các thông báo, hướng dẫn của cơ quan chức năng, chủ đầu tư vẫn cho đơn vị thi công nhiều hạng mục (Ảnh: Lê Quyết)

Điều đáng bàn đó là khu vực đất triển khai nằm trong diện tích rừng tự nhiên - vùng đệm thuộc Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng. Vì vậy, muốn triển khai dự án, chủ đầu tư phải có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, để thực hiện dự án, BQL VQG PN-KB đã có đơn xin giao đất gửi UBND tỉnh Quảng Bình và Sở Tài nguyên và Môi trường với diện tích 78.344,60 m2 để làm khu cứu hộ động thực vật hoang dã và mở rộng vườn thực vật.

Tuy nhiên, ngày 28/9/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 1743/STNMT-CCQLĐĐ về việc trả lại hồ sơ xin giao đất của BQL VQG PN-KB, vì phạm vi thực hiện dự án có nhiều hạng mục xây dựng “vướng” Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.  

Viết tiếp bài Dự án “Khu cứu hộ động vật, thực vật hoang dã và mở rộng vườn thực vật

Đơn vị thi công tập kết vật liệu xây dựng tại khu vực thực hiện dự án (Ảnh: Lê Quyết)

“Bỏ ngoài tai” những văn bản hướng dẫn?

Ngày 24/1/2019, Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) có Công văn số 166/STNMT-CCQLĐĐ gửi BQL VQG PN-KB, đề nghị đơn vị này phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương chuyển mục đích rừng tự nhiên để thực hiện dự án theo đúng quy định.

Ngày 17/4/2019, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình có Thông báo số 1252/VPUBND-KT về việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác của BQL VQG PN-KB. Theo đó, Văn phòng UBND tỉnh yêu cầu đơn vị này xác định cụ thể địa danh, diện tích rừng tự nhiên cần chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác, báo cáo UBND tỉnh xem xét trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo đúng quy định.

Thế nhưng, “bỏ ngoài tai” những văn bản hướng dẫn, thông báo chỉ đạo của các cấp, ngành tỉnh Quảng Bình, BQL VQG PN-KB vẫn bấp chấp để triển khai dự án?

Viết tiếp bài Dự án “Khu cứu hộ động vật, thực vật hoang dã và mở rộng vườn thực vật

Nhiều vị trí bị đào bới, phá hỏng cảnh quan để thi công dự án (Ảnh: Lê Quyết)

Trao đổi với PV Thương hiệu & Công luận, ông Lê Thanh Tịnh – Giám BQL VQG PN-KB cho rằng: “Chúng tôi đang làm thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển mục đích sử dụng rừng theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì, chỗ đó (khu vực triển khai dự án – PV) không phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, vì đây là khu cứu hộ động, thực vật. Muốn cứu hộ phải có rừng, thì mới thực hiện cứu được cả động vật và thực vật”.

Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng UBND tỉnh Quảng bình đã có công văn thông báo, hướng dẫn xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, nhưng BQL VGQ PN-KB vẫn bất chấp để thi công?

Tại sao đơn vị này không trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương chuyển mục đích rừng tự nhiên sang mục đích khác, trước khi thực hiện dự án theo đúng quy định?

Viết tiếp bài Dự án “Khu cứu hộ động vật, thực vật hoang dã và mở rộng vườn thực vật

Gói thầu số 1 - đường bê tông với tổng chiều dài 1.000 m đã hoàn thiện thuộc dự án trên (Ảnh: Lê Quyết)

Trước đó, vào giữa tháng 3/2019, lực lượng chức năng địa phương phát hiện vụ phá rừng nghiêm trọng, xảy ra tại các tiểu khu 649 và 650 thuộc khu vực vùng lõi, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của BQL VQG PN-KB. Hiện trường cho thấy,  có 66 cây gỗ bị chặt hạ với tổng khối lượng khoảng 70 m3, trong đó có 45 cây gỗ mun thuộc nhóm IIA, 21 cây còn lại gồm các loại táu, trâm, trường sâng, nang, bài lài…

BQL VQG PN-KB, sau đó đã cách chức Trạm trưởng và trạm phó Trạm kiểm lâm Thượng Trạch, cảnh cáo 1 nhân viên kiểm lâm và khiển trách 4 nhân viên kiểm lâm khác, do để xảy ra tình trạng phá rừng nói trên.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quy định: “không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định)”.

Lê Quyết