(THCL) _ Ngày 16/10, Viettel chính thức ra mắt mạng di động 3G tại thị trường Peru với tên gọi BITEL. Nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về thị trường mạng di động mới này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Quốc Quyền, Tổng giám đốc BITEL.
Ông Hoàng Quốc Quyền, Tổng giám đốc BITEL.
BITEL còn rất lạ lẫm với người tiêu dùng Peru, cũng như Viettel tại Việt Nam. Xin ông cho biết, vì sao BITEL lại được chọn đặt làm tên thương hiệu, cái tên đó có ý nghĩa đặc biệt gì?
Tên thương hiệu BITEL lấy ý tưởng từ 2 màu trên lá cờ Peru và cách nói quen thuộc của người Peru khi hô hào nhau chung tay tham gia vào những sự kiện quốc gia dân tộc. Khi xây dựng thương hiệu các công ty tại thị trường nước ngoài, Viettel luôn mong muốn thương hiệu đó sẽ thuộc đất nước và người dân sở tại. Chữ “Bi” trong tiếng Tây Ban Nha mang ý nghĩa là “đôi, cặp” (double), thể hiện sự quan tâm, tôn trọng, đối thoại 2 chiều bình đẳng và lắng nghe giữa nhà mạng và khách hàng. Màu sắc chính của BITEL là màu vàng, tượng trưng cho văn hóa Inca, thờ thần mặt trời và vàng.
BITEL lựa chọn khẩu hiệu có nghĩa tiếng Việt là “Chúng tôi luôn lắng nghe bạn”, bởi lẽ, ở Peru, các nhà mạng nói rất nhiều. Thời gian đầu khi đặt chân tới đây, chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát cho thấy, các nhà mạng nói nhiều hơn làm, họ tập trung quảng cáo nhiều hơn vì họ sở hữu kênh truyền hình. Chính vì vậy, slogan của BITEL thể hiện thiện chí luôn lắng nghe và quan tâm tới khách hàng nhiều hơn của nhà mạng.
Đặt chân vào Peru (được đánh giá là “trên cơ” Việt Nam trong việc cạnh tranh với các hãng viễn thông lớn), liệu Viettel có “lép vế” tại thị trường này?
Trước khi tới Peru, chúng tôi đã biết rằng, cả hai nhà mạng Telefonica và America Movil đều là những hãng viễn thông “sừng sỏ” trên thế giới. Cả 2 hãng đã tồn tại ở thị trường Peru gần 10 năm. Tuy nhiên, nếu Viettel sợ thất bại thì chắc chắn Ban Lãnh đạo tập đoàn đã không đặt quyết tâm đầu tư và BITEL sẽ không ra đời.
BITEL đang được giao một trọng trách rất đặc biệt, một phép thử để Viettel có thể triển khai tại những thị trường lớn hơn. Vậy, BITEL có chiến lược gì để chiếm lĩnh thị trường?
Từ trước tới nay, mọi người đều nghĩ rằng Viettel chỉ thành công ở những nước có điều kiện kinh tế còn khó khăn. Lần này, chúng tôi muốn Peru sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn khác, khẳng định khả năng của Viettel ở những nước phát triển, là bước đệm cho kế hoạch tiến vào những thị trường lớn hơn nữa trong tương lai.
Hiện nay, ở Peru có 4 nhà mạng (tính cả Viettel), vì thế, sự cạnh tranh được coi là khốc liệt. Ngoài đầu tư về hạ tầng, mạng lưới, cáp quang, hệ thống cửa hàng, chính sách sản phẩm…, BITEL còn đem đến những dịch vụ mà Chính phủ và người dân Peru đang cần như dịch vụ Internet trường học và y tế.
BITEL xác định những khách hàng nào là đối tượng nhắm đến tại thị trường Peru?
Đối tượng khách hàng - mục tiêu mà BITEL nhắm đến hiện nay là giới trẻ với thương hiệu Internet mobile. Ngoài ra, BITEL còn hướng tới thị trường ngách như vùng sâu, vùng xa - những nơi chúng tôi có lợi thế về hệ thống cáp quang. BITEL chủ yếu tập trung dịch vụ tại phía đông, các vùng như Amazon, Cusco, Puno...
Viettel đã đặt chân đến đất Peru 3 năm, điều gì khiến ông tâm đắc nhất từ sự phát triển của BITEL?
Tính đến thời điểm này, điều khiến chúng tôi tự hào nhất đó là đội ngũ nhân sự của BITEL. Các nhân viên người Peru đã có thể hiểu được, ngấm được văn hóa của công ty để thực thi và triển khai nhiệm vụ. Nhân viên của BITEL rất trẻ trung (tuổi đời bình quân là 27) và cũng rất tự tin. Đó sẽ là một lợi thế mà công ty đã xây dựng được. Đến thời điểm này, BITEL đã hoàn tất bộ máy và hạ tầng mạng lưới. Nhiệm vụ bây giờ là đưa vào vận hành và thực thi chiến lược của tập đoàn để làm thật tốt tại Peru.
Xin cảm ơn ông!
Kiều Tuyết (Thực hiện)