THCL Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vina CHG Nguyễn Viết Hồng chia sẻ: "Với hoạt động hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, Vina CHG đã đầu tư, nghiên cứu và cung cấp các giải pháp chống giả uy tín hàng đầu tại Việt Nam, mục đích nhằm bảo vệ thương hiệu DN và lợi ích của người tiêu dùng".

Qua hơn 7 năm hoạt động, Công ty Vina CHG đã có những bước trưởng thành vượt bậc, đặc biệt trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm?

Thời gian đầu, công ty gặp rất nhiều khó khăn, nhiều DN lúc đó, thậm chí cho đến nay vẫn còn e ngại trong việc chống hàng giả. Không ít DN chưa thấy rõ được tầm quan trọng của việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ thương hiệu, trước sự "sống còn" của DN trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường.

Với tâm huyết, niềm đam mê, sự kiên trì và không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu các công nghệ chống giả - Đó là những gì tôi đã làm trong suốt thời gian qua để đưa ra những giải pháp chống giả toàn diện mang tính pháp lý hiệu quả cho DN, người tiêu dùng (NTD). Mỗi ngày, các đối tượng làm giả lại có thêm những thủ đoạn tinh vi hơn.

Bởi vậy, tôi nghĩ, công tác chống hàng giả giống như là một cuộc đua trong thời đại công nghệ tiên tiến. Nếu như không chịu tìm hiểu, nghiên cứu nâng cấp và đưa ra những giải pháp chống giả mới, thì rất dễ tụt hậu. Kinh nghiệm của tôi - đơn giản chỉ là "đừng ngừng lại" và luôn đổi mới sáng tạo.

Mong muốn của tôi và các cộng sự đó là chung tay góp phần đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, bảo vệ thương hiệu DN và lợi ích của NTD.

Hiện nay, đâu là những khó khăn cho DN nói chung và Vina CHG nói riêng trong xây dựng và bảo vệ thương hiệu?

Cái khó nhất mà các DN đang gặp phải là ý thức về chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu chưa cao, nhất là tại các thị trường quốc tế. Điều này, một phần do DN chưa bám sát những thông tin liên quan đến công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu; mặt khác, hệ thống pháp luật liên quan đến công tác này cũng như bảo vệ sở hữu trí tuệ chưa được hoàn thiện, thủ tục còn khá rườm rà nên các DN ngại đăng ký bảo hộ thương hiệu. Nhiều DN chưa chú trọng ứng dụng công nghệ chống giả lên sản phẩm vì lo sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao, trong khi thói quen của NTD vẫn thích mua hàng giá rẻ, thậm chí biết là hàng giả nhưng vẫn mua.

Ngoài ra, do nhu cầu in tem chống giả của DN trên thị trường tăng cao nên các công ty không có chức năng in tem chống giả, các công ty làm dịch vụ… cũng thực hiện việc in tem chống giả và quảng bá mạnh về việc nhận in tem chống giả trên các phương tiện truyền thông. Cùng với đó, tem nhãn có in chữ chống giả trên tem không có tính pháp lý cũng đang gây nhầm lẫn cho các DN và NTD làm cho việc in tem chống giả đang thật - giả lẫn lộn. Điều đó gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác định hàng thật, hàng giả - sẽ là khó khăn cho DN muốn tiếp cận giải pháp chống giả với công nghệ chống giả cao và hiện đại của Vina CHG.

Theo ông, DN cần làm gì để xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình trong thời hội nhập?

Xây dựng thương hiệu đã khó, bảo vệ thương hiệu lại càng khó hơn. Để phá bỏ, làm mất đi một thương hiệu đã dày công xây dựng và phát triển thì vô cùng dễ dàng. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng nhận thức rõ hoặc thật sự quan tâm đến điều đó. Hiện nay, không có nhiều DN có hẳn một bộ phận chuyên trách chống hàng giả, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, trong khi trên thế giới, nhiều DN, tập đoàn lớn họ rất chú trọng đến việc này và làm rất bài bản.

Vì vậy, các DN cần đầu tư nhiều hơn cho công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Đừng nghĩ rằng, chống hàng giả là công tác chỉ làm khi hàng hóa, sản phẩm bị làm giả. Điều này là hoàn toàn sai lầm, bởi khi "bò đã mất" thì "làm chuồng" chỉ vô ích và tốn tiền.

Đặc biệt, khi sân chơi quốc tế được mở rộng, các hiệp định kinh tế, thương mại như AFTA, TPP… được ký kết và có hiệu lực, các yếu tố liên quan đến bản quyền thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ được nhiều DN nước ngoài quan tâm, nếu muốn mở rộng hợp tác, ký kết hợp đồng, các DN Việt buộc phải thực hiện công tác này một cách nghiêm túc.

Là người đã nhiều năm hoạt động trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ thương hiệu, ông có thể phân tích sâu hơn vấn đề này?

Sở dĩ những đối tượng sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái thực hiện hành vi phạm pháp là vì lợi nhuận thu về từ các hoạt động trái pháp luật này là rất lớn, trong khi mức chế tài, xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe. Để có lợi nhuận, các đối tượng bất chấp những quy định pháp luật - vốn chưa được đồng bộ và còn nhiều chồng chéo để qua mặt các cơ quan quản lý nhà nước.

Hiện nay, có thể thấy 3 lực lượng chính trực tiếp xử lý các hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái đó là lực lượng công an, quản lý thị trường và hải quan. Nhìn lại những vụ xử lý vi phạm hàng giả, hàng nhái trong những năm gần đây, hầu hết xử lý vi phạm hành chính và phạt còn quá nhẹ. Do đó, theo tôi, trước hết cần rà soát lại các văn bản pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý chuyên trách có thể hợp tác chặt chẽ với nhau hơn trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm, nâng mức phạt lên cao hơn, đưa các vụ việc ra tòa xử lý hình sự nhiều hơn nhằm tăng tính răn đe.

Bên cạnh đó, các DN, ngoài những biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu, phải tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý hàng giả, hàng nhái. Đối với NTD, vẫn còn một bộ phận không nhỏ đang vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái khi tiếp tục mua những sản phẩm giá rẻ, biết giả mà vẫn mua. Theo tôi, chính NTD mới là lực lượng mang tính quyết định về lâu dài trong công tác đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Vì suy cho cùng, có cầu tất có cung. Hàng giả, hàng nhái còn tồn tại bởi tâm lý "ham rẻ" vẫn còn.

Vậy định hướng, phương châm của Vina CHG đối với công tác chống hàng giả, hàng nhái như thế nào?

Phương châm của Vina CHG trong công tác chống hàng giả, hàng nhái chính là "Luôn không ngừng đổi mới, cải tiến, nâng cấp công nghệ chống giả", kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để đưa ra những giải pháp chống giả mang tính pháp lý và hữu hiệu nhất.

Qua 7 năm, Vina CHG đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần chung tay trên mặt trận chống hàng giả, hàng nhái như cung cấp, đưa ra thị trường những giải pháp chống giả công nghệ cao, hiệu quả. Công ty mở thêm nhà máy tại TP. HCM; đầu tư thêm 2 dây chuyền máy móc và công nghệ in bảo mật chống giả hiện đại của Đức, Nhật…; tổ chức phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý hàng giả cho các DN là khách hàng sử dụng giải pháp chống giả và tem chống giả của Vina CHG; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội chợ, triển lãm về hàng thật, hàng giả và sở hữu trí tuệ; phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, công an điều tra, xử lý hàng giả, hàng nhái...

Năm 2015, do những hoạt động mang nhiều ý nghĩa thiết thực cho DN và cộng đồng nên Vina CHG đã đạt danh hiệu "DN địa phương tiêu biểu 2015 trong lĩnh vực chống hàng giả" - do VCCI trao tặng. Cá nhân tôi, được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam và Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ Sao Đỏ trao tặng danh hiệu "Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2015".

Tiếp nối những thành quả đó, năm 2016, Vina CHG vẫn tiếp tục những hoạt động thiết thực, góp phần vào công tác đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái. Vina CHG sẽ tập trung vào các giải pháp chống giả công nghệ cao; kết hợp các công nghệ chống giả hiện có để tạo nên một công cụ, giải pháp chống giả toàn diện, hiện đại, mang tính bảo mật cao và thông minh, khó làm giả nhưng vẫn phù hợp với người dùng. VinaCheck là một trong những giải pháp chống giả thông minh, toàn diện mà Vina CHG sẽ hoàn thiện và giới thiệu rộng rãi đến DN, NTD trong năm 2016.

Trân trọng cảm ơn Tổng giám đốc!

TGĐ Nguyễn Viết Hồng: "Thủ thuật làm giả, nhái ngày càng trở nên tinh vi, khiến nhiều DN gặp không ít khó khăn, thiệt hại về kinh tế, uy tín thương hiệu. Do đó, DN và NTD phải nhận thức rõ, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, không chỉ riêng cơ quan quản lý nhà nước, mà là toàn xã hội".

Phan Chinh (Thực hiện)