Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên phát biểu tại buổi họp báo
Thông tin trên được ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết trong buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, chiều ngày 17/10.
Theo đó, thực hiện chương trình số 05 của huyện ủy Phú Xuyên về “Phát triển làng nghề gắn với du lịch làng nghề huyện Phú Xuyên giai đoạn 2015 -2020”, với mục tiêu bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống, gắn với du lịch làng nghề, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân – Tri ân các bậc tiền nhân, các vị Tổ nghề đã có công tạo và truyền nghề cho nhân dân; khẳng định vai trò, vị trí của nghề thủ công truyền thống, UBND huyện Phú Xuyên phối hợp với Công ty CP Thương mại Gia Phạm, tổ chức chương trình “Vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên năm 2017”.
Lễ hội được tổ chức tại Sân vận động huyện Phú Xuyên, từ ngày 26-29/10; với tổng diện tích hơn 20 nghìn m2, dự kiến thu hút hàng vạn người dân và du khách đến thăm quan.
Bên lề lễ hội sẽ diễn ra những chương trình nghệ thuật đặc sắc, hoành tráng; triển lãm ảnh nghệ thuật (hơn 100 bức ảnh về Phú Xuyên) về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, lịch sử, làng nghề, tinh hoa các sản phẩm… sẽ được trưng bày tại chương trình.
Không gian giao thương: Với diện tích gần 10 nghìn m2 dành cho việc các gian hàng trưng bày sản phẩm với 5 nhóm ngành: Dệt – May; Da – Giầy; Thực phẩm, nông sản và đồ uống; Thủ công nghiệp; Nội thất (gần 350 gian hàng).
Phú Xuyên là huyện có 156/156 làng, cụm dân cư có nghề (chiếm 100%), có 78 làng nghề được duy trì và phát triển mạnh; 40 làng nghề được Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống.
Số hộ sản xuất TTCN (năm 2017) là 24.500 hộ; số lao động sản xuất TTCN là 39.939 người; giá trị sản xuất TTCN làng nghề ước đạt 4.550 tỷ đồng; thu nhập bình quân của lao động làm nghề đạt 52 triệu đồng/năm.
Có 385 công ty, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện; 6 HTX Công nghiệp; 8 tổ chức, quỹ tín dụng, 3 Hiệp hội hoạt động sản xuất kinh doanh. Giải quyết được việc làm cho trên 80% lao động địa phương và các làng nghề phụ cận; đời sống của nhân dân khu làng nghề từng bước được nâng lên, số hộ giầu tăng nhanh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội…
Năm 2017, đã thu hút được trên 300 đoàn khách trong nước và quốc tế với tổng số gần 6 nghìn lượt người đến thăm quan, mua sắm, tìm hiểu về làng nghề tại Phú Xuyên. Trong đó, tập trung tại một số làng nghề ở các xã như: Khảm Trai (Chuyên Mỹ), Giầy da (Phú Yên), Cỏ tế (Phú Túc), Mộc (Tân Dân và Văn Nhân), May comple (Vân Từ), Cơ khí (Đại Thắng)…
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, huyện Phú Xuyên có lợi thế về địa lý, đầu mối giao thông kết nối với trung tâm Thủ đô và một số tỉnh lân cận; là địa phương có nhiều nghề truyền thống tiêu biểu, thuận lợi cho việc phát triển du lịch làng nghề, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Mục tiêu trong thời gian tới, địa phương sẽ phấn đấu tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ 7 – 7,5%/năm; số lao động được đào tạo nghề đến năm 2020 là 15 nghìn người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 51%, giải quyết việc làm cho khoảng 25 nghìn lao động; thu nhập bình quân đầu người 55 triệu người/năm; hình thành và kết nối được một số tuyến du lịch làng nghề; phát triển công nghiệp hỗ trợ, gắn với du lịch, thăm quan, mua sắm tại làng nghề…
Nguyễn Kiên