UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành kế hoạch Kế hoạch ứng phó mưa, lũ, triều cường, sạt lở bờ sông phải được quán triệt đến tất cả cán bộ, Đảng viên ở các ngành, các cấp trong công tác ứng phó với mưa, lũ, triều cường, sạt lở năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Nhằm bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp, dân cư trong mùa mưa, lũ năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo sản xuất cho hơn 70.842 ha cây lâu năm, cho gần 32.000ha lúa Thu Đông 2024 còn lại, gần 15.730 ha rau màu vụ mùa đã xuống giống và 40.000 ha lúa, 23.800 ha rau màu vụ Đông Xuân 2024-2025; cùng với hơn 1.950 ha diện tích nuôi trồng thủy sản đang nuôi thả.
Đồng thời đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, tránh dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tổ chức cứu nạn, cứu hộ, giúp người dân ứng phó với mưa, lũ, triều cường và sự cố thiên tai, sạt lở bờ sông trong mùa mưa lũ.
Các địa phương xây dựng kế hoạch Phòng, chống thiên tai năm 2024 phải lồng ghép vào kế hoạch ứng phó mưa, lũ, triều cường, ngập úng, sạt lở; Theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng - thủy văn, tình hình ngập úng; thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời đến các cấp, các ngành, các địa phương và người dân để chủ động ứng phó.
Tập trung duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, nhất là các công trình đê bao, cống, đập, các công trình xuống cấp không đảm bảo chống lũ gây ngập úng khi mực nước vượt mức BĐIII.
UBND tỉnh cho biết tổng số vùng kém an toàn: 64 vùng, với diện tích 22.420 ha. Công trình thủy lợi (phần lớn là đê bao) có cao trình đỉnh thấp (từ 1m đến dưới 2m) bị xuống cấp, có thể bị tràn trong mùa lũ năm nay (ứng với đỉnh triều 4 cường tương đương năm 2022). Qua rà soát trên địa bàn tỉnh, hiện có khoảng 69 tuyến bờ bao/đê bao, tổng chiều dài 194.044m, bảo vệ cho 11.430ha đất sản xuất nông nghiệp, dân sinh bị xuống cấp cần được đầu tư sửa chữa trong thời gian tới.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 75 điểm/vị trí sạt lở, sụt lún. Tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 27 điểm/vị trí), tuy nhiên đã làm mất 2.111m bờ sông, rạch cùng với các công trình, cây trồng ven sông, ảnh hưởng trực tiếp đến 150 hộ dân, ước thiệt hại là 4,782 tỷ đồng (giảm 3,646 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước).
UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết qua công tác khảo sát, đánh giá thường niên, ngành nông nghiệp xác định trong tỉnh hiện có 08 khu vực đã bị sạt lở nặng và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao trên các tuyến sông, kênh lớn mà các địa phương và người dân cần chú ý, đó là: Khu vực bờ tả sông Cổ Chiên (đoạn từ đầu cù lao Minh thuộc ấp An Long, xã An Bình đến phà Đình Khao thuộc xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) và khu vực cồn Thanh Long thuộc xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm; trên sông Hậu có khu vực thượng và hạ lưu vàm kênh Hai Quý, khu vực quanh cồn Sừng (thị xã Bình Minh), khu vực chợ xã Tích Thiện (huyện Trà Ôn); các tuyến kênh Xáng (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn); sông Cái Cao (xã Phú Đức, huyện Long Hồ); sông Măng Thít (đoạn từ phà Chánh An đến cầu Măng Thít thuộc huyện Vũng Liêm, Mang Thít)…cũng có nguy cơ bị sạt lở mạnh
Trường hợp lũ lớn, triều cường vượt báo động III với mực nước tương đương đỉnh triều lịch sử năm 2022, cấp độ rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt là cấp độ 2.
Tổng vốn thực hiện Kế hoạch này ước tính: 1.149.906 triệu đồng. Công trình/dự án do cấp tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) đang triển khai thực hiện - Tổng số công trình/dự án thủy lợi và gia cố khắc phục sạt lở bờ sông: 32 công trình/dự án; Chiều dài: 379,15 km; - Diện tích phục vụ: 118.849 ha; uớc kinh phí: 1.101.104 triệu đồng.
Tổng số công trình/dự án thủy lợi và gia cố khắc phục sạt lở bờ sông: 87 công trình - Chiều dài: 297,6 km; Diện tích phục vụ: 10.225 ha; uớc kinh phí: 48.802 triệu đồng.
Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT &TKCN) tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện kế hoạch tập trung toàn bộ các nguồn lực, các đoàn thể tuyên truyền vận động người dân ra sức phòng chống lũ, triều cường và sạt lở có hiệu quả; các đơn vị và cán bộ chuyên môn triển khai công tác quan trắc mực nước, thường xuyên cập nhật số liệu và theo dõi các điểm có nguy cơ bị sạt lở, tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh trong công tác ứng phó mưa, lũ, triều cường, sạt lở.
Tất cả các ngành, các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.
L.T (t/h)