Ảnh minh họa
Năm 2020, sự nghiệp giáo dục mầm non được Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giao 6.169 chỉ tiêu, trong đó, biên chế 2.093 chỉ tiêu, hợp đồng 4.076 chỉ tiêu. Biên chế và hợp đồng thực hiện đến tháng 4/2020 là 4.578 người. Theo định mức, quy mô lớp được quy định tại Thông tư liên tịch 06 năm 2015 của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì số biên chế tối đa của tỉnh cần 6.423 chỉ tiêu, so sánh với thực tế giáo viên có mặt (biên chế và hợp đồng) tại các cơ sở giáo dục thì tỉnh còn thiếu 1.845 chỉ tiêu mới đáp ứng được yêu cầu.
Trên cơ sở chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non đã được Bộ Nội vụ bổ sung năm 2020 cho sự nghiệp giáo dục mầm non và tình hình thực tiễn quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo năm 2020, UBND tỉnh đã đề nghị HĐND tỉnh bổ sung 3.383 chỉ tiêu biên chế khối mầm non cho các huyện, thành phố theo nguyên tắc số chỉ tiêu bổ sung phù hợp với số giáo viên hợp đồng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 31/12/2015 và phải giảm trừ 10% tổng số biên chế được giao bổ sung.
Theo đó, sau khi bổ sung và giảm trừ 10%, tổng số biên chế khối mầm non là 5.138 chỉ tiêu, trong đó, huyện Vĩnh Tường được bổ sung nhiều nhất với 514 chỉ tiêu, Yên Lạc 401 chỉ tiêu, Lập Thạch 384 chỉ tiêu, Bình Xuyên 354 chỉ tiêu, Sông Lô 300 chỉ tiêu, Tam Dương 291 chỉ tiêu, Phúc Yên 290 chỉ tiêu và Tam Đảo 209 chỉ tiêu.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT cho biết: Những năm gần đây, số trẻ mầm non đến tuổi ra lớp liên tục tăng, nhất là ở ven các khu, cụm công nghiệp, trung tâm huyện, thành phố. Số lượng trẻ tăng đồng nghĩa với việc gia tăng lớp học, nhu cầu bổ sung giáo viên cũng theo đó tăng lên. Theo quy định tại Thông tư 06/2015/TTLT/BGDĐT-BNV, cần có tối đa 2,5 giáo viên/lớp nhà trẻ và 2,2 giáo viên/lớp mẫu giáo, thì hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc còn thiếu từ 0,7 - 1 giáo viên/lớp. Việc thiếu giáo viên đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo đảm an toàn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Việc bổ sung thêm 3.383 chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non cho các trường công lập sẽ góp phần giảm áp lực cho giáo viên, nhà trường, qua đó, tạo động lực cho công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được tốt hơn. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho trẻ và nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học theo quy định tại Thông tư 06, tỉnh cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ ngành Giáo dục được tuyển thêm giáo viên hợp đồng.
Lê Sơn