Ảnh minh họa
Đất dịch vụ là cơ chế đặc thù của tỉnh Vĩnh Phúc khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp (quỹ I) của người dân để chuyển sang đất sản xuất phi nông nghiệp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Cơ chế này được Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc thông qua tại Nghị quyết số 15/2004/NQ-HĐ ngày 25/5/2004. Theo Nghị quyết này, mỗi một sào (Bắc bộ) ruộng bị thu hồi, người dân được bố trí 12 m2 đất dịch vụ để phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Mục tiêu của tỉnh Vĩnh Phúc đặt ra là hoàn thành việc chi trả đất dịch vụ cho người dân trong năm 2019. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên đến hết tháng 4/2020, toàn tỉnh mới giải quyết xong gần 95% đất dịch vụ cho người dân.
Hiện, có 3 huyện là Yên Lạc, Sông Lô, Vĩnh Tường đã hoàn thành; các huyện, thành phố còn lại mới chi trả được từ 85%-97%. Cụ thể, thành phố Vĩnh Yên chi trả được gần 86%; thành phố Phúc Yên trên 94%; huyện Tam Dương hơn 95%; huyện Lập Thạch trên 85%; huyện Bình Xuyên hơn 98%; huyện Tam Đảo trên 97%.
Nguyên nhân dẫn đến việc một số địa phương chưa hoàn thành đúng tiến độ giao đất dịch vụ cho người dân là do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các khu dất dịch vụ, giải quyết các hồ sơ cũng như bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều hộ dân ở khu vực có giá đất cao muốn được chi trả bằng tiền mặt nhưng nguồn kinh phí chi trả chưa thể bố trí kịp thời.
Ngoài ra, ở một số địa phương, chính quyền cấp xã chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, vẫn còn tồn tại tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ nguồn vốn từ cấp trên. Bên cạnh đó, nhiều địa phương gặp khó khăn trong quá trình thẩm định, thu thập hồ sơ liên quan đến các thửa đất do thay đổi diện tích qua nhiều giai đoạn. Hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn trong công tác quy hoạch, đấu giá đất, xen ghép đất dịch vụ. Tính đến nay, tổng diện tích đất dịch vụ trên địa bàn tỉnh chỉ còn hơn 6,3 ha, chiếm 5,1%.
Để giải quyết dứt điểm việc chi trả đất dịch vụ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết đất dịch vụ; tăng cường kiểm tra, rà soát các quy hoạch, bảo đảm chính xác. Cùng với đó, cân đối, ưu tiên ngân sách và chủ động tiếp cận nguồn vốn vay để bố trí cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu đất dịch vụ.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo sự đồng thuận, nhất là đối với những hộ dân chưa nhận tiền bồi thường hoặc không chấp hành các quy định về việc thu hồi đất; thực hiện công khai, minh bạch việc đền bù bằng tiền mặt hoặc xét giao đất, dồn ghép, bốc thăm vị trí ô đất dịch vụ cho người dân theo quy định.
PV