Hiện có khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XNK và hơn 700 doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại Vĩnh Phúc. Trong 4 tháng đầu năm 2021, hoạt động XNK có sự bứt phá rõ rệt.
Tổng kim ngạch XNK đạt hơn 7 tỷ USD (tăng 18% so với cùng kỳ), thu ngân sách từ hoạt động XNK đạt gần 1.700 tỷ đồng (tăng 47% so với cùng kỳ); trong đó, xe máy, linh kiện điện tử, giày dép, quần áo và gạch men... là những mặt hàng xuất khẩu chính.
Hàng nhập khẩu chủ yếu là linh kiện sản xuất ô-tô, xe máy, máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất gia công giày, dép, sản phẩm dệt may và cơ khí.
Để thúc đẩy hoạt động XNK, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm thủ tục thông quan hàng hóa, Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp làm thủ tục thông qua hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS.
Bà Trần Thị Yến Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc cho biết: Hiện nay, Chi cục đang triển khai dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. 100% doanh nghiệp XNK trên địa bàn tỉnh sử dụng hệ thống VNACCS/VCIS khi làm thủ tục thông quan hàng hóa, giúp các doanh nghiệp làm thủ tục nhanh gọn, chính xác, giảm thời gian và chi phí đi lại.
Để đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, không làm gián đoạn quá trình vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp, Chi cục bố trí cán bộ trực thường xuyên để giải đáp thắc mắc, tiếp nhận ý kiến phản ánh của doanh nghiệp trong quá trình sử dụng hệ thống.
Phối hợp với các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn giúp doanh nghiệp nộp thuế thông qua phương thức điện tử.
Ngay sau khi doanh nghiệp chuyển tiền nộp thuế tại ngân hàng, thông tin nộp thuế sẽ được chuyển online tới Cổng thanh toán điện tử Hải quan, tờ khai được thanh khoản, trừ nợ thuế, thông quan hàng hoá ngay sau đó, tránh được tình trạng cưỡng chế thuế không chính xác, tăng hiệu quả trong việc thu ngân sách nhà nước (NSNN) đối với hoạt động XNK.
Ghi nhận tại bộ phận giao dịch "Một cửa" Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc vào đầu giờ làm việc buổi sáng, số lượng doanh nghiệp đến giao dịch không nhiều.
Chủ yếu doanh nghiệp đến giao dịch là các doanh nghiệp cần trực tiếp kiểm tra hàng hóa trước khi thông quan và một số doanh nghiệp đến để được hướng dẫn về các chính sách mới của Chính phủ về điều kiện thông quan một số mặt hàng.
Anh Vũ Văn Sỹ, cán bộ XNK của Công ty TNHH KCI Vina, chuyên sản xuất linh kiện điện tử tại KCN Bình Xuyên cho biết: “Trung bình một năm, Công ty phải thực hiện hàng nghìn giao dịch XNK, do vậy, giao dịch với Hải quan là công việc diễn ra hàng ngày với số lượng hóa đơn, chứng từ rất lớn.
Hiện nay, 100% giao dịch XNK của công ty đều được thực hiện trên hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS.
Việc cài đặt, sử dụng hiệu quả các tính năng phần mềm, hỗ trợ khi sử dụng hệ thống thông quan điện tử được cán bộ Hải quan hướng dẫn cụ thể.
Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS giúp doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt, không phải lưu giữ giấy tờ, tính an toàn và bảo mật cho doanh nghiệp được nâng lên.
Trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, hạn chế giao dịch trực tiếp giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh”.
Được biết năm 2020, doanh thu của Công ty TNHH KCI Vina đạt gần 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho 500 lao động với thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng.
Để đạt mục tiêu phấn đấu năm 2021, tổng kim ngạch XNK của tỉnh đạt khoảng 20 tỷ USD, thời gian tới, Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc tiếp tục chủ động nắm bắt, tìm hiểu hoạt động SXKD của các doanh nghiệp hoạt động XNK tại địa bàn quản lý, tập trung phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến số thu NSNN để xây dựng kế hoạch đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu nộp NSNN năm 2021.
Tiếp tục vận hành hệ thống VNACCS/VCIS thông suốt, hiệu quả, thực hiện tốt công tác phối hợp thu NSNN với các Ngân hàng thương mại cổ phần, kịp thời tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Mặt khác, để tăng tính công khai, minh bạch, Chi cục chỉ đạo các phòng chuyên môn niêm yết các văn bản mới về thủ tục hải quan, chế độ, chính sách thuế, chính sách quản lý hàng hoá XNK để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, thực hiện.
Hiện nay, Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc đã thành lập tổ hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thông qua đường dây nóng.
Các tổ kiểm tra định kỳ theo chuyên đề, quản lý chặt chẽ các mặt hàng nhạy cảm về mã số, thuế suất có nguy cơ rủi ro, thuế suất cao, xử lý nghiêm vi phạm, chống thất thu ngân NSNN, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK của doanh nghiệp.
Hoàng Sơn