Di lịch nghỉ dưỡng phát huy lợi thế tại tỉnh Vĩnh Phúc
Trong vòng 3 năm trở lại đây, lượng khách đến tham quan và du lịch trên địa bàn luôn giữ tốc độ tăng trưởng bình quân trên 15%, mang lại hiệu quả đáng kể tăng nguồn thu cho ngân sách và góp phần nâng cao mức sống cho người dân địa phương. Cùng với đó, doanh thu du lịch cũng tăng trưởng ổn định qua các năm. Năm 2018, doanh thu du lịch đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2017; dự kiến năm 2019, doanh thu ước đạt 1.850 tỷ đồng, vượt 1,8% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Có thể khẳng định, sau hai năm thực hiện Nghị quyết 08-NQTW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những thành công đáng kể, từng bước phát huy thế mạnh, tiềm năng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua là tiền đề quan trọng để Vĩnh Phúc đặt mục tiêu sang năm 2020, Vĩnh Phúc phấn đấu đón 6.500.000 lượt khách du lịch/năm, trong đó có hơn 5 vạn lượt khách quốc tế. Doanh thu, dự kiến đến năm 2020 đạt 2.600 tỷ đồng, tăng bình quân 12,7%/năm. Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế là 15%/năm, khách nội địa là 20%/năm. Tạo được việc làm cho 28.500 lao động (tăng 9.000 lao động), trong đó giải quyết việc làm cho 10.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch. Đội ngũ lao động ngành du lịch qua đào tạo đạt trên 75%.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại Vĩnh Phúc
Tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh du lịch và các điều kiện phục vụ khách du lịch tại các khu du lịch cơ bản được đảm bảo; hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch được niêm yết công khai và bán theo giá niêm yết. Thường xuyên phối hợp, tham gia các đoàn kiểm tra do Bộ VH-TT&DL; đoàn kiểm tra do các Sở, ngành trong tỉnh chủ trì kiểm tra các hoạt động du lịch tại địa phương,…
Để hoàn thành mục tiêu trên và để du lịch của Vĩnh Phúc phát huy hết tiềm năng thế mạnh vốn có, trong thời gian tiếp theo, các cơ quan chức năng quản lý về du lịch sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, công tác kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về kinh doanh du lịch và liên quan đến hoạt động du lịch do ngành chủ trì được tiến hành thường xuyên, có hiệu quả.
Nhiều dự án được đầu tư lớn thu hút khách du lịch, giải trí
Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phục vụ nhu cầu du khách, đặc biệt là ở các khu du lịch trọng điểm: Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải,…. Hệ thống giao thông kết nối các khu du lịch cơ bản được hoàn thiện và thường xuyên bảo trì, hạn chế xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông vào mùa lễ hội.
Các loại hình du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, lễ hội – tâm linh; du lịch cộng đồng; du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo; du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch nông thôn,… tiếp tục được phát triển.
Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo điều kiện cho các DN đầu tư, xây dựng các nhà hàng, khách sạn, hình thành mạng lưới dịch vụ đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng.
Hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng có khoảng 10 DN hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó có nhiều đơn vị có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế với thị trường khách đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc là chủ yếu. Lượng khách trong nước ra nước ngoài du lịch do các Cty lữ hành tổ chức chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.
Long Trần