Dưới tán rừng xanh ngút ngàn tại thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù là nơi hoạt động rầm rộ của lâm tặc trong suốt một thời gian dàiCánh rừng xanh ngút ngàn tại thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù là nơi hoạt động rầm rộ của lâm tặc trong thời gian dài

Thai Léc, Khai Bòng, Sòng Công Dênh, Cao Lèo, Khe Gấu... là tên những cánh rừng thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo, thuộc địa bàn xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo. Dưới những tán rừng thông xanh có tuổi đời hàng chục năm - còn nguyên những dấu tích tàn phá của lâm tặc, diễn ra trong thời gian dài.

Trước khi dẫn phóng viên tới khu vực lâm tặc khai thác nhựa thông trái phép, đứng tại khu hồ Đồng Mỏ (thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù), ông  Trần Văn Ba - một người dân địa phương, chỉ tay về phía rừng thông, ngậm ngùi:

“Chẳng mấy nữa cánh rừng thông này sẽ chết. Nguồn nước của người dân địa phương cũng bị ảnh hưởng, lâm tặc khai thác một cách quá trắng trợn từ năm 2017 tới nay. Chúng tôi đã gửi đơn tới nhiều cấp, nhưng chưa thấy cá nhân nào bị xử lý”.

Những cây thông này rất có thể sẽ chết trong nay maiNhững cây thông này rất có thể sẽ chết trong nay mai

Để lên được cánh rừng thông thuộc Vườn QG Tam Đảo quản lý, chúng tôi phải đi men theo đường cáp nước của người dân địa phương. Con đường mòn này, thi thoảng mới có người dân đi lại để kiểm tra đường cáp nước nên cây bụi mọc khá rậm rạp. Ngược lên những cánh rừng chừng 200m, những cây thông có đường kính từ 50 -100cm đã bị cạo vỏ, những lớp nhựa chưa kịp lấy hết vẫn chảy...

Đứng cạnh cây thông đang “rỉ máu”, ông Ba cho biết: Để đi hết cánh rừng thông bị lâm tặc khai thác nhựa trái phép, phải mất nhiều giờ. Gần trên đỉnh ngọn núi, lâm tặc dựng cả lều trại, nấu nướng thức ăn phục vụ cho việc khai thác nhựa, nhưng đi từ cửa rừng lên tới đó phải mất chừng 3 đến 4 tiếng đồng hồ. Nếu người dân vào đây kiếm những cành củi khô thôi, cũng có thể bị kiểm lâm của Vườn QG bắt và tịch thu dao dựa; nhưng không hiểu sao lâm tặc hoạt động rầm rộ gần 2 năm trời mà không bị xử lý (?!).

Dù to hay nhỏ, cứ cây có nhựa là lâm tặc ra tay lấyDù to hay nhỏ, cứ cây có nhựa là lâm tặc ra tay lấy

Dọc tuyến đường đi, hầu hết thông tại cánh rừng này đều mang dấu vết của việc khai thác nhựa. Nhiều vết cạo vỏ đã thâm tím, còn lại hầu như là vết cạo mới, nhựa thông vẫn bám trên cây. Thi thoảng, những túi ni lông hứng nhựa còn sót lại của lâm tặc có thể quên chưa kịp thu về.

Để khai thác nhựa thông, các đối tượng đã thuê người dân nạo vỏ cây rồi dùng túi ni lông hứng. Vào sáng sớm hàng ngày, sẽ có người đi thu gom rồi gánh xuống điểm tập kết. Sau đó, các đối tượng cho lên xe tải chở đi tiêu thụ. Nhựa thông, chủ yếu bán cho thương lái với giá  từ 50.000 - 100.000 đồng/kg, tùy theo thời điểm.

Có những điểm rừng, cây nào cũng bị khai thác nhựaCó những điểm rừng, cây nào cũng bị khai thác nhựa

Trao đổi với phóng viên về thực trạng trên, ông Trần Văn Thái - Phó chủ tịch UBND xã Đạo Trù cho biết: Trên địa bàn xã, có khoảng 5.000 ha rừng, thuộc BQL Vườn Quốc gia Tam Đảo quản lý. Đây là khu vực có những cánh rừng Thai Léc, Khai Bòng, Sòng Công Dênh, Cao Lèo, Khe Gấu… đang bị tận diệt một cách trắng trợn. Số lượng cây thông có thâm niên tuổi bị tận diệt để lấy nhựa hiện nay không tính được là bao nhiêu, phải tính bằng ha".

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Long Trần