Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) gồm 10 chương, 79 điều, bổ sung 56 điều, quy định mới 21 điều và giữ nguyên 2 điều; quy định về tài nguyên, sản phẩm và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong kinh doanh du lịch hoặc thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến du lịch và quản lý nhà nước về du lịch.

Vĩnh Phúc: Lấy ý kiến xây dựng dự án Luật Du lịch trình Quốc hội - Hình 1

Đồng chí Trần Văn Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV của tỉnh kết luận hội nghị

Tại hội nghị, đa số các đại biểu đồng tình với việc cần thiết phải có sự sửa đổi Luật Du lịch. Bởi sau hơn 10 năm thực hiện Luật Du lịch năm 2005 đã nảy sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch.

Các đại biểu cho ý kiến tập trung vào phạm vi điều chỉnh, bổ sung thêm phần bố cục và một số từ, ngữ, tên trong dự thảo luật sao cho hợp lý. Tại Điều 10 đến Điều 13 Chương II về khách du lịch cần quan tâm hơn nữa việc đảm bảo quyền lợi và an toàn cho khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài; không cần thiết quy định về đô thị du lịch; việc niêm yết giá bán hàng, dịch vụ, nội quy của cơ sở lưu trú du lịch cần công khai để khách du lịch nắm rõ và cơ quan Nhà nước cần có chính sách quản lý chặt chẽ; bổ sung thêm chế độ vào sổ theo dõi khách du lịch và báo cáo kinh doanh lưu trú du lịch.

Tại Điều 22, Chương 4 về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch, các đại biểu cũng thống nhất cần bổ sung, thay đổi cụm từ “nghĩa vụ” bằng “trách nhiệm”; chính sách đầu tư, hỗ trợ cho phát triển du lịch; công tác quản lý đối với các cơ sở kinh doanh du lịch không tự nguyện đăng ký việc kinh doanh.

Đồng thời, các đại biểu cho ý kiến tập trung vào phạm vi, điều kiện kinh doanh lữ hành; các thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch; vấn đề bảo vệ người tiêu dùng. Các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu quy định về thẩm quyền chính phủ, địa phương đối với quản lý di sản; bổ sung chính sách phát triển du lịch, đào tạo nhân lực ngành du lịch...

Một số đại biểu cũng cho rằng để phản ánh đúng tinh thần của bộ luật cần điều chỉnh về bố cục dự thảo Luật; quy định về đô thị du lịch cần đảm bảo chặt chẽ hơn; quy định rõ cơ quan có thẩm quyền trong xếp hạng cơ sở lưu trú; để tạo hoạt động kinh doanh lành mạnh cần bổ sung niêm yết chính sách về giá tại nơi có địa điểm du lịch; chỉnh sửa, bổ sung trong cách hành văn và một số điều khoản cụ thể.

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Trần Văn Tiến tiếp thu ý kiến các đại biểu. Các ý kiến sẽ được tổng hợp trình Quốc hội xem xét.

Nguyễn Quyên