Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có gần 16.500 cán bộ giáo viên, trong đó, trình độ trên chuẩn ở bậc học mầm non đạt 100%, Tiểu học hơn gần 94%, THCS hơn 86%, THPT 37%.
Những năm qua, hoạt động bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các trường có những bước chuyển biến tích cực. Nhờ đó, chất lượng giáo dục các cấp của tỉnh được nâng cao, chất lượng đại trà các môn văn hóa các cấp học luôn có sự tăng trưởng hàng năm; điểm trung bình các bài thi tốt nghiệp THPT năm 2020 Vĩnh Phúc đứng thứ 5 so với cả nước.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn Vĩnh Phúc đã trở thành thương hiệu. Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2020 – 2021, Vĩnh Phúc là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng giải nhất cũng như tỷ lệ học sinh đạt giải.
Tuy nhiên, giáo dục Vĩnh Phúc còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Đội ngũ giáo viên còn thừa, thiếu cục bộ về số lượng, mất cân đối về cơ cấu, bộ môn đối với cấp THCS và THPT. Toàn ngành vẫn còn khoảng 26% cán bộ, giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định mới.
Ngoài ra, hoạt động bồi dưỡng giáo viên, CBQLGD ở các trường THPT còn những bất cập nhất định như: Kế hoạch, chương trình, nội dung bồi dưỡng chưa thật sát với thực tế, đối tượng và chưa đa dạng. Khâu tổ chức bồi dưỡng chưa hợp lý; tổ chức đánh giá kết quả, thái độ trách nhiệm học tập của đối tượng được bồi dưỡng chưa thật cao...
Một trong những nguyên nhân của thực trạng nêu trên là trong quá trình quản lý hoạt động bồi dưỡng giáo viên, CBQLGD ở các trường THPT chưa theo kịp sự phát triển và đòi hỏi của thực tiễn giáo dục hiện nay, chưa có những biện pháp đột phá về tổ chức bồi dưỡng giáo viên, CBQLGD nói chung CBQL ở các trường THPT nói riêng.
Đồng bộ các giải pháp
Nhằm khắc phục những tồn tại và nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ giáo viên, thời gian tới, ngành giáo dục Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nhà giáo; thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị số 05-CT/TW.
Tiếp tục tham mưu thực hiện nghiêm túc công tác rà soát, sắp xếp, tuyển dụng, bố trí cán bộ quản lý và giáo viên; thực hiện việc điều chuyển giáo viên các trường học để cân đối lại đội ngũ giáo viên, khắc phục tình trạng vừa “thừa” vừa “thiếu”. Tham mưu thực hiện công tác tuyển dụng giáo viên nhằm kịp thời bố trí, sắp xếp đội ngũ đáp ứng nhiệm vụ theo từng năm học.
Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trên địa bàn tỉnh; tổ chức khảo sát lại giáo viên phổ thông, trên cơ sở đó, xây dựng phương án đào tạo lại hoặc có giải pháp cụ thể đối với những giáo viên sau khi sát hạch lại không đạt yêu cầu. Lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán để thực hiện bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, ưu tiên bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy lớp 1.
Đối với các chương trình, nội dung bồi dưỡng, cán bộ giảng viên, báo cáo viên cần sử dụng các phương pháp lên lớp lý thuyết; phương pháp thảo luận, đối thoại; phương pháp hướng dẫn học viên tự học, tự nghiên cứu; viết tiểu luận, thu hoạch; báo cáo chuyên đề…
Bên cạnh đó, phải thực hiện đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng, ngoài bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo chuẩn phải tiến hành bồi dưỡng cập nhật và bồi dưỡng nâng cao cho giáo viên, cán bộ quản lý. Trong quá trình bồi dưỡng, cần coi trọng sử dụng phương pháp gợi mở nêu vấn đề, tranh luận các vấn đề học tập; tự nghiên cứu để phát huy kiến thức, kinh nghiệm.
Các chủ thể quản lý cần phải vận dụng chủ động, sáng tạo và linh hoạt các giải pháp, đảm bảo cho quá trình bồi dưỡng được tổ chức một cách chặt chẽ, đạt chất lượng, hiệu quả cao phù hợp với mỗi địa bàn cụ thể.
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 508 trường học và cơ sở giáo dục. Năm học 2020-2021, bậc học phổ thông của tỉnh có quy mô 237.000 học sinh. Trong đó, Tiểu học gần 122.000 học sinh, THCS trên 74.000, THPT khoảng 31.000, khối GDTX gần 10.000 học sinh. Số trẻ vào lớp 1 của năm học là trên 25.000 học sinh. 100% trường công lập trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia.
Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Bích Ngọc