Các địa phương gồm: Thị trấn Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường), thị trấn Tam Hồng, thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc) và thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên) sẽ là những địa phương đầu tiên của Vĩnh Phúc có nhà máy thu gom và xử lý nước thải khu dân cư.
Công trình này thuộc Hợp phần 2 của dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB), nhằm giảm ô nhiễm nước sông Phan và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường trong các khu vực đông dân cư được lựa chọn.
Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ góp phần quan trọng trong việc xử lý vấn đề nước thải ở địa phương, hướng tới môi trường xanh và bền vững. Bên cạnh đó, dự án còn góp phần bảo đảm kiểm soát lũ tại lưu vực trung tâm của tỉnh Vĩnh Phúc và ngăn chặn sự suy thoái nhanh chóng của chất lượng nước mặt sông Phan (đoạn chảy qua địa phận Thổ Tang và huyện Vĩnh Tường).
Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ TN&MT phê duyệt năm 2016, nước thải thải sinh hoạt qua xử lý sẽ đạt QCVN 14:2008/BTNMT về nước thải sinh hoạt theo mục đích sử dụng nước của nguồn tiếp nhận. Ngoài ra, dự án cũng được tư vấn lập và được Ngân hàng thế giới phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường và xã hội (ESIA) năm 2016.
Công trình Nhà máy thu gom và xử lý nước thải xây dựng tại địa phương, được áp dụng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ TN&MT đảm bảo nước xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi ra ngoài môi trường. Sau khi nhà máy xây dựng xong và đi vào vận hành, chính quyền các địa phương sẽ kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, hộ dân thực hiện nghiêm việc lắp đặt các thiết bị, đấu nối hệ thống xử lý nước thải vào nhà máy, tránh tình trạng xả thải ra ngoài gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Được biết, dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc được triển khai theo Hiệp định vay số 8614-VN có hiệu lực ngày 25/09/2017 và thời hạn gia hạn đến 31/12/2023. Trong đó, Hợp phần 2 (Quản lý môi trường nước) xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung tại các thị trấn Thổ Tang, Tam Hồng, Yên Lạc, Hương Canh và xây dựng 14 điểm xử lý nước thải phân tán dọc sông Phan. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống của cư dân, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn.
Đức Nam