Làm giàu từ bưởi

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh, những năm gần đây, người dân ở các địa phương, nhất là các xã ven sông Hồng đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đưa cây bưởi vào trồng và trở thành cây xóa đói giảm nghèo, mang lại kinh tế cao cho người dân.

Vốn là vùng đất trũng thấp, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, hiệu quả kinh tế không cao, nhưng từ khi người dân xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) chuyển đổi sang trồng cây bưởi Diễn thì cây bưởi lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, phát triển tốt.

Ông Phùng Văn Tân, thôn Yên Định, xã Phú Đa là một trong những điển hình về trồng bưởi. Theo ông Tân, năm nay, bưởi được mùa, thương lái đã đến thăm vườn từ rất sớm để xem quả, trả giá cả vườn nên ông không lo đầu ra.

Mô hình trồng bưởi diễn của gia đình ông Phùng Văn Tân, thôn Yên Định, xã Phú Đa (Vĩnh Tường) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Trà HươngMô hình trồng bưởi diễn của gia đình ông Phùng Văn Tân, thôn Yên Định, xã Phú Đa (Vĩnh Tường) cho hiệu quả kinh tế cao (Ảnh Trà Hương)

Ông Tân chia sẻ, trước đây, đất vườn nhà ông quanh năm chỉ trồng ít rau củ theo mùa nhưng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Năm 2005, ông liên kết với Viện Bảo vệ Thực vật đưa cây bưởi Diễn về trồng thử nghiệm trên vườn nhà. Vì hợp đất, hợp nước, hợp khí hậu, sau 3 năm trồng, vườn bưởi của gia đình ông Tân bắt đầu cho quả.

Nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, phòng trừ dịch bệnh, nên vườn bưởi Diễn của gia đình ông Tân sinh trưởng và phát triển tốt, số lượng quả tăng lên qua từng năm, thu nhập vì thế cũng cao hơn. Đến nay, sau 15 năm trồng, với 160 gốc bưởi này, mỗi năm, gia đình ông Tân thu nhập hơn 200 triệu đồng. Vườn bưởi của gia đình ông Tân hiện là nơi học tập kinh nghiệm của nhiều người dân địa phương trên địa bàn huyện và các tỉnh lân cận.

Thành công từ vườn bưởi nhà ông Tân đã giúp nhiều gia đình trong huyện Vĩnh Tường mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng, chăm sóc bưởi Diễn. Nhờ cây bưởi, nhiều gia đình thoát nghèo, kinh tế phát triển, đời sống trở nên khấm khá hơn.

Đưa chúng tôi ra thăm vườn bưởi chi chít quả đang vào vụ thu hoạch, anh Nguyễn Hữu Lịch, thôn Hậu Lộc, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường khẳng định về hiệu quả kinh tế mà vườn bưởi Diễn đem lại cho gia đình.

Anh Lịch chia sẻ, được sự giúp đỡ và giới thiệu của ông Tân, năm 2014, anh đầu tư mua 200 cây giống bưởi Diễn về trồng. Những năm đầu, do anh thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên cây bưởi phát triển chậm. Không nản lòng, anh tiếp tục tìm tòi, học hỏi cách chăm sóc qua mạng xã hội và tham khảo một số mô hình hợp tác xã để tăng năng suất, chất lượng quả. Năm 2018, anh tham gia Hội trồng bưởi huyện Vĩnh Tường. Thông qua Hội trồng bưởi, anh được hỗ trợ phân bón và tham gia tập huấn sản xuất, nâng cao kỹ thuật chăm sóc cây bưởi.

Nhờ sự cần cù, chịu khó học hỏi của anh, vườn bưởi của anh Lịch phát triển tốt và luôn sai quả. Mỗi năm cho thu nhập 150 -200 triệu đồng. Sau 5 năm thấy được hiệu quả của việc trồng bưởi, anh Lịch bàn bạc với gia đình trồng thêm 200 gốc bưởi. Mục đích xa hơn của anh Lịch là khi khu vực trồng bưởi mở rộng trở thành vùng chuyên canh bưởi Diễn của huyện, anh cùng với người dân nơi đây sẽ xây dựng bưởi Diễn Vĩnh Tường thành thương hiệu bưởi đặc sản của tỉnh.

Xây dựng vùng bưởi chuyên canh

Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 100 ha đất trồng bưởi, chiếm 20% diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện, tập trung chủ yếu ở các xã Phú Đa, Vĩnh Ninh, Ngũ Kiên, Tuân Chính, Cao Đại, Tân Phú, Vĩnh Thịnh…; trong đó, hiện có 60 ha diện tích đã cho thu hoạch. Năm 2019, tổng sản lượng bưởi bán ra thị trường ước đạt 1,8 triệu quả với giá trị gần 40 tỷ đồng.

Để đẩy mạnh phát triển cây bưởi và xây dựng thương hiệu bưởi Diễn của Vĩnh Tường, năm 2018, huyện đã thành lập Hội trồng bưởi Vĩnh Tưởng, thu hút 91 thành viên tham gia. Hội trồng bưởi Vĩnh Tường đã vận động người dân tại các địa phương ứng dụng khoa học kỹ thuật về giống, phương pháp canh tác, cách bảo quản sau thu hoạch để nâng cao năng suất, giá trị kinh tế cho sản phẩm bưởi, từng bước xây dựng, phát triển nhãn hiệu sản phẩm bưởi tại địa phương.

Ông Lê Đức Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Tường cho biết, cây bưởi Diễn đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện Vĩnh Tường. Do đó, đi đôi với việc mở rộng diện tích, huyện Vĩnh Tường khuyến khích người dân lựa chọn giống, kỹ thuật chăm sóc phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng cho cây bưởi.

Đồng thời, huyện tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đăng ký chất lượng VietGAP, nhãn hiệu tập thể... để sản phẩm bưởi Diễn Vĩnh Tường khẳng định được thương hiệu, chất lượng và bảo đảm giá trị kinh tế khi đưa ra thị trường, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Trước đó, tháng 10/2019, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học đã cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Bưởi Vĩnh Tường - Hương vị Đất Phủ”, góp phần mở rộng thị trường và nâng cao giá trị của sản phẩm.

Hiện nay, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Tường đang tiếp tục chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi theo hướng VietGAP cho hơn 5,8 ha bưởi Diễn ở xã Vĩnh Ninh, hướng đến mở rộng diện tích, canh tác bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cùng với đó, huyện Vĩnh Tường tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân; xây dựng mô hình vườn quả mẫu, tạo liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo đầu ra bền vững, xây dựng thương hiệu bưởi Vĩnh Tường có chỗ đứng trên thị trường nông sản.

Không chỉ có huyện Vĩnh Tường, nhiều địa phương trong tỉnh như: Lập Thạch, Yên Lạc, Sông Lô và thành phố Phúc Yên cũng mở rộng diện tích trồng bưởi. Năm 2019, tổng diện tích trồng bưởi toàn tỉnh đạt 773 ha, tăng 2,47% so với năm trước, trong đó, diện tích cho sản phẩm hơn 677 ha.

Nhờ sự năng động, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của người dân và cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cây bưởi, các hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích không hiệu quả sang trồng cây bưởi; nhiều hộ trồng bưởi đã chủ động ứng dụng theo quy trình VietGAP tạo ra quả bưởi có chất lượng, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Để phát triển cây bưởi trở thành cây ăn quả chủ lực của tỉnh, thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát và chuyển đổi diện tích đất đồi trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây bưởi.

Vĩnh phúc có chính sách khuyến khích tích tụ đất đai, tổ chức, liên kết sản xuất theo tổ nhóm, HTX về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tập huấn kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP cho nông dân; đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho cây bưởi; chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các mô hình thâm canh ứng dụng phương pháp tưới nhỏ giọt cho cây bưởi.

Hoan Nguyễn