Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, đoàn viên, hội viên lựa chọn sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, góp phần nâng cao vị thế hàng Việt.

Cùng với đó, Sở Công thương Vĩnh Phúc đã hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm địa phương. Trong năm 2024, Sở đã xây dựng 3 điểm bán hàng cố định mang tên "Tự hào hàng Việt Nam" tại các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Bình Xuyên, và tổ chức 9 phiên chợ đưa hàng Việt về khu vực nông thôn, miền núi, đô thị và khu công nghiệp.

Người dân xã Thái Hòa (Lập Thạch) lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước tại cửa hàng tiện lợi trên địa bàn.
Người dân xã Thái Hòa (Lập Thạch) lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước tại cửa hàng tiện lợi trên địa bàn. Ảnh Báo Vĩnh Phúc.

Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động trong tỉnh, Vĩnh Phúc còn phối hợp với Bộ Công thương mời doanh nghiệp địa phương tham gia hội chợ, triển lãm hàng hóa tại nhiều quốc gia, đồng thời kết nối tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP tại các tỉnh, thành trong nước như: Hưng Yên, Đà Nẵng, Bình Thuận, Cần Thơ, Long An, Nghệ An...

Nhờ sự hỗ trợ tích cực và đồng bộ, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nâng cao nhận thức về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từ đó, nhiều đơn vị chủ động xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm dài hạn, tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, giảm chi phí và đẩy mạnh chăm sóc khách hàng nhằm khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại như tổ chức bán hàng khuyến mại, đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa, hội chợ triển lãm… nhận thức của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc từng bước được nâng cao.

Người dân đã hiểu rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm trong việc sử dụng hàng Việt, từ đó thay đổi thói quen tiêu dùng, ưu tiên lựa chọn các mặt hàng trong nước, nhất là thực phẩm, dệt may, nhựa, da giày và đồ gia dụng.

Trong bối cảnh thị trường thế giới biến động, đầu tháng 4 vừa qua, Mỹ công bố sắc lệnh áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Trước tình hình này, việc khuyến khích tiêu dùng nội địa trở thành giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp trong nước giữ vững sản xuất, ổn định việc làm, đồng thời tạo động lực để không ngừng cải tiến sản phẩm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong nước.

Sự hưởng ứng mạnh mẽ của người tiêu dùng trong tỉnh đã góp phần lan tỏa tinh thần “người Việt dùng hàng Việt”, tạo nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, gia tăng sức cạnh tranh và phát triển thị trường nội địa một cách bền vững.

Thời gian tới, các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trọng tâm là nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân thông qua các hoạt động tuyên truyền sâu rộng và tổ chức các chương trình xúc tiến như hội chợ hàng Việt, phiên chợ về nông thôn, miền núi và các tuần lễ hàng Việt tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là cải tiến mẫu mã, bao bì, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đạt chứng nhận chất lượng. Đây là cơ sở quan trọng để hàng Việt ngày càng chiếm được lòng tin và sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia các chương trình OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và hoạt động đổi mới sáng tạo, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu Việt ngày càng phát triển bền vững.

Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh việc đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng tiện lợi và các điểm bán cố định “Tự hào hàng Việt Nam”. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp kết nối hàng hóa vào kênh thương mại điện tử và logistics để mở rộng thị trường.

Cùng với đó, các hoạt động tuyên truyền được triển khai đồng bộ, lồng ghép với chương trình bình ổn giá, an sinh xã hội và khuyến mại, nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt.

Chi Chi (t/h)