Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã vượt qua khó khăn của năm 2023 và dần được phục hồi. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có sự khởi sắc ở cả 3 khu vực kinh tế. Tốc độ tăng GRDP ước tính đạt 6,26% (đứng thứ 9/11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 32/63 cả nước).
Vĩnh Phúc cũng là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công toàn tỉnh ước đạt 2.739 tỷ đồng, bằng 35,2% kế hoạch năm, cao hơn bình quân chung của cả nước (22,34%)...
Cụ thể, tổng số vốn kế hoạch năm 2024, Vĩnh Phúc được giao 7.776,625 tỷ đồng, đến hết tháng 6/2024 cấp tỉnh đã phân bổ chi tiết đạt 98% và cấp huyện, cấp xã đã phân bổ chi tiết đạt 96,3%. Số vốn phân bổ sau do các dự án chưa đảm bảo về thủ tục và sẽ được trình phân bổ hết tại kỳ họp HĐND các cấp giữa năm 2024.
Trước đó, tại chương trình họp báo thường kỳ quý 2/2024, cung cấp thông tin đến báo chí, ông Nguyễn Xuân Thông, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được xác định là động lực thu hút các nguồn lực cho phát triển kinh tế, nên các đơn vị liên quan luôn chú trọng thực hiện.
Các cấp, các ngành tại địa phương có trách nhiệm khẩn trương hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để phân bổ chi tiết hết vốn đầu tư công năm 2024 ngay trong tháng 7/2024.
Theo Nghị quyết số 17/NQ-HĐND, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương là 1.150 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương vốn trong nước là 1.000 tỷ đồng; ngân sách Trung ương vốn nước ngoài cấp phát là 150 tỷ đồng.
Về vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, dự kiến đăng ký kế hoạch giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi năm 2025 là 150 tỷ đồng.
Nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025 nguồn cân đối ngân sách địa phương (không bao gồm bội chi ngân sách) là 7.400,498 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung trong nước là 6.368,498 tỷ đồng, vốn giao về cho cấp huyện khoảng 1.908,060 tỷ đồng; vốn dành để đầu tư dự án trọng điểm cấp tỉnh là 2.399,988 tỷ đồng; vốn đối ứng bố trí cho các dự án ODA là 150 tỷ đồng; vốn dành cho ngành lĩnh vực là 1.910,450 tỷ đồng.
Nguồn xổ số kiến thiết và nguồn thu từ đất là 1.032 tỷ đồng. Trong đó, nguồn xổ số kiến thiết là 32 tỷ đồng, dự kiến bố trí cho các chương trình, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các dự án lĩnh vực giáo dục, đào tạo và xây dựng nông thôn mới theo đúng đối tượng được sử dụng nguồn xổ số theo quy định của Trung ương.
Đối với nguồn thu từ đất khoảng 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cân đối về cho cấp huyện theo Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh về ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 tỉnh Vĩnh Phúc.
Đối với nguồn thu từ đất của cấp tỉnh dự kiến đầu tư cho các chương trình, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và đầu tư các dự án lớn, trọng điểm cấp tỉnh.
Hà Trần (t/h)