Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hiện bao gồm 10 chỉ tiêu thành phần, tổng cộng 128 tiêu chí.
Mặc dù đã thực hiện các giải pháp cơ bản để cải thiện môi trường đầu tư nhưng 5 năm liên tiếp (2016-2020), PCI của Vĩnh Phúc đều tụt hạng và chỉ nằm trong nhóm khá.
Kết quả chỉ số PCI của tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn 2016 - 2020 không đạt mục tiêu theo kế hoạch đề ra. Từ vị trí thứ 4 cả nước năm 2015, xuống vị trí thứ 17 năm 2019 và vị trí thứ 29 năm 2020. Trong số các tỉnh khu vực đồng bằng Sông Hồng, Vĩnh Phúc chỉ đứng trên hai tỉnh là Ninh Bình với 61,98 điểm và Hưng Yên với 63,8 điểm.
Đáng quan ngại, PCI năm 2020 của Vĩnh Phúc xếp vị trí thứ 29/63 tỉnh, thành với số điểm 63,84 điểm, giảm 2,91 điểm và 12 bậc so với năm 2019, không đạt được mục tiêu đề ra.
Trong tổng số 10 chỉ số thành phần, tỉnh có 5/10 chỉ số giảm điểm và giảm thứ hạng gồm: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và ANTT;
3/10 chỉ số tăng điểm và tăng thứ hạng: Chi phí thời gian, tính năng động, chi phí đào tạo lao động; 1/10 chỉ số giảm điểm và tăng thứ hạng (Tính minh bạch); 1/10 chỉ số tăng điểm và giảm thứ hạng (Cạnh tranh bình đẳng).
Đáng bàn, một số chỉ số có thứ hạng thấp và chưa được cải thiện trong nhiều năm: Chỉ số tiếp cận đất đai xếp thứ 61/63, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xếp thứ 59/63, chỉ số cạnh tranh bình đẳng và Thiết chế pháp lý và ANTT xếp thứ 42/63, chỉ số chi phí không chính thức xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố.
Trong số các chỉ tiêu thành phần PCI, Vĩnh Phúc có lợi thế và đạt điểm cao hơn về các chỉ số: Chi phí thời gian, tính năng động, chi phí đào tạo lao động...
Tuy nhiên, cũng đối mặt với những thách thức trong cải thiện PCI, nhất là cải thiện về dịch vụ xúc tiến thương mại- dịch vụ liên quan đến công nghệ; dịch vụ đào tạo về quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán, tìm kiếm đối tác kinh doanh, tìm kiếm thông tin thị trường... Từ hạn chế này cho thấy, sự chưa chủ động, tích cực, kịp thời trong việc cung cấp các thông tin thị trường, cập nhật các thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, cấp mới trên website một cách đầy đủ; các hội chợ thương mại, công tác xúc tiến thương mại chưa có nhiều đổi mới, chưa tạo được sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp; một số chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp được tạo ra nhưng chưa sát với mục đích, mong muốn của doanh nghiệp, do đó các doanh nghiệp không mặn mà quan tâm; sự phối hợp với các sở, ngành liên quan chưa thật sự chặt chẽ...
Vĩnh Phúc cũng đứng trước nhiều thách thức về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án do gặp nhiều khó khăn, chính sách pháp luật đất đai bất cập; đầu tư cải thiện cơ cấu kinh tế, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và dân tộc; tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phòng, chống các tệ nạn và tội phạm các loại trong quá trình hội nhập quốc tế...
Theo tỉnh Vĩnh Phúc, sự tụt giảm về thứ hạng các chỉ số không chỉ xuất phát từ nguyên nhân do các biện pháp chính sách đề ra không đạt được hiệu quả mà còn do sự vươn lên mạnh mẽ của các tỉnh, thành phố cả nước trong việc cải thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tỉnh Vĩnh Phúc xác định rõ, thấm nhuần PCI là tập hợp tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về mức độ cải cách trên từng lĩnh vực điều hành, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng tại mỗi địa phương. Bởi vậy, cùng với việc quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn sức khỏe cho các chuyên gia và nhà đầu tư, ổn định SXKD; tỉnh cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để cải thiện các chỉ số còn thấp. Trong đó, tập trung tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, đơn giản hóa trình tự, TTHC, nắm bắt và tháo gỡ kịp thời vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động SXKD; đẩy mạnh công tác hỗ trợ nhà đầu tư bằng nhiều hình thức mới, hiệu quả cao hơn; giúp các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng cường sức cạnh tranh nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy...
Theo các chuyên gia kinh tế, quá trình cải thiện chỉ số PCI của Vĩnh Phúc cần một quá trình, vừa tập trung cải thiện những chỉ số còn thấp điểm, vừa phát huy những điều kiện có lợi thế nhất.
Trước mắt, tỉnh cần phát huy những lợi thế về lao động, tính năng động. Theo đó, cần coi trọng nâng cao năng lực chính quyền điện tử, cải thiện tính năng tiện ích thân thiện và hữu ích của trang thông tin điện tử của các sở, ngành, nhất là trong đăng ký kinh doanh, hải quan, quản lý đầu tư; tăng cường công khai, minh bạch hóa thông tin, các tài liệu pháp lý của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
Niêm yết công khai quy trình, thủ tục hành chính, các văn bản pháp lý liên quan tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ, đồng thời đăng tải trên website của các sở, ngành; chú trọng việc lập các mẫu giấy tờ, thủ tục để người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng điền, hoàn thiện khi khai nộp các hồ sơ để giải quyết thủ tục hành chính, có hướng dẫn rõ ràng phương thức hoàn chỉnh hồ sơ; nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhất là thái độ ứng xử của cán bộ công chức.
Mỗi website đều phải duy trì tốt phần liên hệ để công dân, doanh nghiệp gửi thư và nhận được thông tin trả lời; qua đó cải thiện rõ rệt tính minh bạch và khả năng tiếp cận các thông tin quan trọng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vĩnh Phúc cũng cần coi trọng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết công việc của cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu xây dựng bộ máy chính quyền các cấp chuyên nghiệp để giải quyết công việc một cách nhanh, chủ động và từng bước chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm qua lại hoặc đẩy lên cấp trên.
Tăng cường công tác thanh tra công vụ, tập trung vào các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp. Tiếp tục duy trì và phát huy có hiệu quả hơn nữa mô hình tổ công tác liên ngành trong giải quyết các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp; loại bỏ các đầu mối, công đoạn quản lý trung gian chồng chéo; thanh lọc và thay thế các công chức thiếu trách nhiệm công vụ; phát triển đồng bộ các thể chế thị trường, các đường dây nóng, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ kinh doanh, hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp.
Các cấp chính quyền cần tăng cường tần suất và nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại doanh nghiệp - chính quyền. Ngoài ra, cần nghiên cứu thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế của tỉnh; tăng cường liên kết với các địa phương cả nước; xây dựng và triển khai đề án tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể và cho từng ngành kinh tế, chuỗi sản phẩm chủ lực và khu vực doanh nghiệp, làng nghề trên địa bàn theo yêu cầu hiện đại và phát triển bền vững; tăng cường khả năng phản ứng chính sách và phản ứng thị trường, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh vĩ mô và vi mô, đáp ứng tốt những thay đổi và yêu cầu của tình hình mới.
Hoan Nguyễn