THCL Sáng 25/11, tại Khách sạn Sông Hồng Thủ đô (TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), đã diễn ra Hội thảo khoa học “Văn hiến Vĩnh Phúc – Truyền thống và hiện đại”.

Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học: “Văn hiến Vĩnh Phúc – Truyền thống và hiện đại” - Hình 1

Hội thảo do UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam tổ chức. Đây là một trong những hoạt động mở đầu trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc (1/1/1997 – 1/1/2017).

Tới dự, có các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sở, ban, ngành của tỉnh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, nhà báo, nghệ sỹ… của đất nước và tỉnh Vĩnh Phúc, cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.

Đồng chủ trì Hội thảo, có Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, Trần Văn Vinh; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Nguyễn Văn Trì; Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, GS. Hoàng Chương; Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà thơ Hữu Thỉnh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy  Bùi Huy Vĩnh.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, Trần Văn Vinh phát biểu: Trong không khí phấn khởi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI, tỉnh Vĩnh Phúc rất vinh dự được chào đón các quý vị đại biểu tới dự Hội thảo khoa học “Văn hiến Vĩnh Phúc – Truyền thống và hiện đại”.

Đây không chỉ là một đợt sinh hoạt khoa học thông thường, mà còn là sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, là tấm lòng và sự ngưỡng mộ của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu với một địa danh văn hiến đã từng được biết đến trong lịch sử dân tộc từ thuở Hùng Vương dựng nước đến nay.

Ông Vinh nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, việc tổ chức Hội thảo “Văn hiến Vĩnh Phúc - Truyền thống và hiện đại” vào thời điểm này - là rất đúng lúc và cần thiết, thiết thực chào mừng Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh.

Chúng tôi  rất vui mừng, tại hội thảo, có nhiều nhà khoa học là giáo sư, tiến sỹ đầu ngành,  chuyên gia trên nhiều lĩnh vực xã hội và nhân văn mà nhiều công trình nghiên cứu và thành tựu khoa học của họ đã có những đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong tiến trình thực hiện mục tiêu CNH - HĐH đất nước và đã tác động sâu sắc tới đời sống của nhân dân. Quý vị là những tấm gương khoa học đáng trân trọng, là nguồn khích lệ đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là đối với những người làm công tác văn hóa của Vĩnh Phúc, sẽ góp phần vào thành công của hội thảo hôm nay.  

Tại hội thảo, GS. Hoàng Chương chỉ rõ: Hội thảo “Văn hiến Vĩnh Phúc - Truyền thống và Hiện đại”, một lần nữa chúng ta lại tìm về với truyền thống văn hiến giàu có và phong phú của Vĩnh Phúc, để nhận thức về truyền thống này một cách đầy đủ, sâu sắc, toàn diện và nhất là cập nhật hơn các giá trị nhân văn cốt lõi, vĩnh cửu của đất và người Vĩnh Phúc để bảo tồn và phát huy các giá trị này một cách hiệu quả - tạo nên các giá trị mới trong sự nghiệp đổi mới giao lưu hội nhập hôm nay của Vĩnh Phúc và của cả nước.

GS. Hoàng Chương tin rằng, với tinh thần trách nhiệm và sự cố gắng chung của tất cả chúng ta, Hội thảo “Văn hiến Vĩnh Phúc - Truyền thống và Hiện đại” sẽ thực sự thành công và có những đóng góp thiết thực cho chặng đường phát triển mới đầy hy vọng đó. Phù sa màu mỡ của dòng sông văn hiến không ngừng tuôn chảy hôm qua và hôm nay trên quê hương Vĩnh Phúc - chắc chắn sẽ là nền tảng cho sự phát triển ngày một nhanh chóng bền vững của quê hương.

Hội thảo “Văn hiến Vĩnh Phúc - Truyền thống và Hiện đại” đã lưu hành và trình bày 50 tham luận với những góc nhìn đa chiều, phong phú về văn hiến Vĩnh Phúc từ truyền thống đến hiện đại.

Long Trần – Tuấn Anh