Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh mức hiện tại trong phiên giao dịch hôm nay 7/6. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn nên chỉ số VN-Index vẫn rất khó khăn vượt vùng kháng cự 1.285 – 1.295 điểm, đặc biệt rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao.
Tuy nhiên, rủi ro từ lạm phát và tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt nên điều này cũng sẽ mở ra cơ hội mua mới gia tăng trở lại và khả năng giảm sâu được đánh giá thấp trong giai đoạn này, nhưng dòng tiền có thể sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu khi áp lực điều chỉnh vẫn có thể cao ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
YSVN khuyến nghị: Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 40-45% danh mục và đồng thời các nhà đầu tư có thể mở vị thế mua mới với tỷ trọng thấp để thăm dò cơ hội ngắn hạn.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) phân tích: Xu hướng trung hạn của VN-Index duy trì tích lũy trong kênh rộng 1.180 điểm - 1.200 điểm đến 1.300 điểm, mở rộng lên 1.320 điểm. Trong đó, 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018, 1.300 -1.320 điểm là vùng giá cao nhất tháng 6- 8/2022. Điểm cân bằng của kênh tích lũy trung hạn là vùng 1.245 -1.255 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023.
Chuyên gia của SHS lưu ý: Nhà đầu tư ngắn hạn đang có tỷ trọng thấp có thể xem xét mua khi VN-Index rung lắc với kỳ vọng chỉ số vượt được kháng cự mạnh 1.300 điểm. Nhà đầu tư trung - dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục và vẫn có thể tiếp tục chiến lược giải ngân dần trong các nhịp giảm điểm, mục tiêu là các mã cổ phiếu đầu ngành, dự báo có có kết quả kinh doanh triển vọng tích cực trong cuối năm.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), VN-Index kết phiên giảm điểm do thị trường bất ngờ trở nên bi quan hơn về cuối phiên với áp lực cung gia tăng vào nửa sau phiên chiều khiến thị trường vẫn không thể thoát khỏi trạng thái giằng co quanh vùng đỉnh cũ. Đáng chú ý hơn, thanh khoản thị trường trở lại mức thấp cho thấy áp lực tâm lý thận trọng của nhà đầu tư ở vùng đỉnh cũ và thị trường khó có được sự đồng thuận để chỉ số bứt phá.
Theo ASEANSC, yếu tố thanh khoản sẽ là yếu tố quan trọng nhất trong giai đoạn này và thị trường nhiều khả năng vẫn sẽ tích luỹ quanh biên độ 1.260-1.280 điểm.
Trong phiên ngày 6/6, một số ngành chứng kiến nhiều mã giảm điểm như: Bất động sản với: NLG (-3,1 %), LGL (-2,7%), NTL(-1,7%), HDC (-1,6%), KDH (-1,5%)... nhóm ngành Hóa chất cũng có sự điều chỉnh với: DGC (-1,7%), CSV (-0,9 %)...
X.Hải (t/h)