Những con số kỷ lục
Tại Hội nghị tổng kết ngành giao thông (1/2017), ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines - VNA) cho biết, tổng doanh thu hợp nhất của VNA và các công ty thành viên trong năm 2016 ước đạt 76.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% và lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng 140% so cùng kỳ và vượt 7% kế hoạch năm.
Riêng VNA đã tái cấu trúc đội tàu bay với 10 ngàn tàu Boeing 787, Airbus A350 và lợi nhuận của VNA cũng đã đạt kỷ lục, cao gấp 5,6 lần so với năm 2015. Cụ thể, doanh thu công ty mẹ đạt 59.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.590 tỷ đồng vận chuyển 20,6 triệu hành khách, 264.000 tấn hàng hóa và 128.000 chuyến bay.
Năm 2016, lợi nhuận hợp nhất của VNA đạt kỷ lục và cao gấp gần 6 lần so với năm 2015
Cũng theo ông Dương Trí Thành, năm 2017, VNA đặt kế hoạch vận chuyển 21,7 triệu hành khách, hàng hóa 290.000 tấn, 130.000 chuyến bay và kế hoạch lợi nhuận hợp nhất năm 2017 dự kiến đạt 1.186 tỷ đồng, do lo ngại sự bất ổn về giá dầu, sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của VNA.
Mặt khác, hiện nay trên đường bay nội địa trọng điểm giữa TP. HCM và Hà Nội, thị phần của Vietnam Airline và Jestar Pacific đạt khoảng 63%, riêng Vietnam Airline đạt 45% và dẫn đầu số ghế cung ứng trên thị trường và thị phần trên toàn thị trường nội địa của hãng này cũng đạt đến 60%.
Như vậy, mới chỉ là dự thảo nhưng với lý do, lo ngại lợi nhuận doanh thu giảm nếu giá xăng dầu được dự báo tăng nên VNA và đối tác của mình, là Jetstar Pacific (VNA sở hữu tại Jetstar Pacific với tỷ lệ nắm giữ cổ phần nhà nước toàn bộ là 69,93%), cả 2 hãng này đều đề nghị Cục Hàng không không những cần phải tăng mức giá trần, mà còn áp cả giá sàn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế, đặc biệt là những nhà chuyên môn trong lĩnh vực giao thông đã thẳng thắn: “Sẽ thiệt hại trăm bề nếu dự thảo được áp dụng và thậm chí chỉ phục vụ lợi ích nhóm".
Và cấu trúc cung - cầu của kinh tế thị trường
Theo các chuyên gia nghiên cứu giao thông và kinh tế, lĩnh vực hàng không phát triển là điều tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đang không ngừng tăng trưởng theo chiều hướng đi lên và người dân là thành phần đang được hưởng lợi trực tiếp từ sự phát triển đó.
Cũng không ít ý kiến đặt câu hỏi: Phải chăng, do sợ làm vỡ kế hoạch của các loại hình vận tải khác, đặc biệt là đường sắt, mà cơ quan điều hành muốn áp giá sàn để tăng lượng khách vận chuyển bằng đường sắt?
Các chuyên gia khẳng định: “Không thể bắt ngành hàng không vừa phát triển, vừa chờ các ngành vận tải khác".
PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Khoa Hàng không - Trường Đại học Bách khoa TP. HCM cho rằng, ngành giao thông vận tải phát triển là yếu tố sống còn đối với kinh tế đất nước. Việc hàng không thay thế đường sắt trong vận tải đường xa là điều tất yếu, nhất là với các quốc gia có chiều dài như Việt Nam.
"Vận tải hàng không đang vượt xa những loại hình vận tải khác và là một trong số ít ngành giữ được tốc độ tăng trưởng cao, liên tục khoảng 20%/năm trong hơn 10 năm qua. Điều đó chứng tỏ nhu cầu sử dụng loại hình vận tải này của người dân đang tăng lên", PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống nêu.
TS. kinh tế, Nguyễn Trí Hiếu cũng bày tỏ quan điểm: “Hành khách không thể chờ ngành đường sắt phát triển. Người dân có quyền lựa chọn phương tiện vận tải phù hợp đáp ứng tốt nhu cầu đi lại ngay tại thời điểm họ cần. Vì đó là quy luật cung - cầu của cấu trúc kinh tế thị trường”.
Trong một lần trả lời báo chí, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, chuyên gia kinh tế đã nhìn nhận, ngành vận tải có sự cạnh tranh và phụ thuộc nhiều vào thị trường, do đó, nếu can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính - sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển ngành hàng không, gây ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại của người dân.
Áp giá sàn là lấy đi quyền lợi trực tiếp của người dân lao động được hưởng tiện ích của hệ thống giao thông hiện đại
"Việc áp giá sàn sẽ là đi ngược lại quyền lợi kinh tế của đất nước và chỉ mang lại lợi ích nhóm. Bởi dù các ngành vận tải khác có phát triển đạt tới mức nào, thì cũng không thể thay thế được hàng không và ngành hàng không thế giới đã minh chứng rõ điều này", PGS. TS. Phạm Quý Thọ cho biết.
Nếu không áp giá sàn như hiện tại thì lợi nhuận hợp nhất của VNA vẫn đạt khủng như trong báo cáo 2016. Nhưng nếu chỉ vì lo ngại giá dầu tăng mà nâng giá từ 29-34% so với mức giá trần, thì theo các chuyên gia kinh tế tính toán, giá vé 1 lượt đi sẽ sấp xỉ 1,1 – 1,5 triệu đồng và lợi nhuận của VNA sẽ là bao nhiêu?
Như vậy, VNA muốn áp giá sàn để “nâng hiệu quả đường bay” như phát ngôn của VNA, thì rõ ràng chỉ có lợi cho một số hãng hàng không lớn như VNA, trong khi gần 90% người dân mất cơ hội được đi phương tiện giao thông này.
Chưa kể đến việc không tạo tính cạnh tranh cho các loại phương tiện giao thông khác phát triển, cũng như không tạo ra tính hấp dẫn của thị trường để thu hút các hãng hàng không, các nhà đầu tư các nước khác tham gia và khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Vì vậy, cần phải xem xét các yếu tố một cách đầy đủ và khách quan, để các chính sách cùa Nhà nước không chỉ để phục vụ và đem lại quyền lợi trực tiếp cho người dân, mà còn góp phần vào phát triển và định hình kinh tế đất nước.
Bảo Lan