Theo số liệu thống kê của VNR, tháng 7/2019, cả nước đã xảy ra 27 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 17 người và làm bị thương 23 người.
Nguyên nhân của các vụ tai nạn được xác định chủ yếu là do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chú ý quan sát, không chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường sắt khi đi qua các vị trí giao cắt giữa đường sắt – đường bộ.
Hiện trường vụ tai nạn đường sắt hôm 31/7 tại Bình Thuận
Điển hình như vụ tai nạn ngày 31/7 lúc 8h42’, tàu SE27 máy 713 đến Km 1465+810 qua huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, tại khu gian Sông Lòng Sông - Sông Mao đã va vào xe ô tô 16 chỗ, BKS 86B - 003.66 vượt qua đường sắt, xe ô tô bị văng vào cột tín hiệu vào ga Sông Lòng Sông. Hậu quả, làm 4 người chết và chậm tàu 45’.
Như vậy, từ đầu năm 2019 đến nay, các vụ tai nạn đường sắt xảy ra trên lối đi tự mở và dọc hai bên hành lang đường sắt chiếm 78% số vụ. Các địa phương xảy ra nhiều vụ tai nạn đường sắt (từ 5 vụ trở lên) là: Hà Nội (19 vụ), Khánh Hòa (16 vụ), Hải Dương (10); Bắc Giang, Thanh Hóa (9 vụ), Hà Nam, Nghệ An (8 vụ); Thừa Thiên Huế (7 vụ), Đồng Nai (6 vụ)...
Để hạn chế tai nạn đường sắt tại các vị trí đường ngang biển báo và lối đi tự mở, thời gian qua, VNR đã bố trí trực cảnh giới tại 44 đường ngang có nguy cơ cao về tai nạn trong đợt cao điểm vận tải hè từ ngày 10/6 đến hết ngày 31/7, cảnh giới hàng ngày từ 6 - 21 giờ. Tuy nhiên, tình hình tai nạn đường sắt vẫn diễn biến phức tạp, nhất là liên quan đến ý thức người đi đường.
Vì vậy, VNR khuyến cáo người tham gia giao thông: Hãy “dừng lại quan sát trước khi qua đường ngang vì an toàn của bản thân và xã hội”.
VNR cũng đề nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền các quy định về đảm bảo an toàn đường sắt, hướng dẫn để người dân tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, chủ động phòng tránh tai nạn.
Riêng đối với các địa phương có đường sắt đi qua, VNR đề nghị thực hiện nghiêm Nghị định 65/2018/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết thực hiện một số điều của Luật Đường sắt 2017 và “ Quy chế phối hợp”, gắn kết quả thực hiện với trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương.
Vương Hằng