Tới dự, có ông Nguyễn Văn Trì, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo sở ban ngành tỉnh Vĩnh Phú cùng đông đảo khán giả yêu thích bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì tặng hoa chúc mừng các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Vĩnh Phúc
Chèo Vĩnh Phúc đại diện tiêu biểu cho văn hóa dân gian của tỉnh Vĩnh Phúc. Nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu chèo truyền thống tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều năm quan, Nhà hát Chèo đã dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật, vở diễn có chất lượng chuyên môn cao phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân, tạo dư luận xã hội tích cực.
Tại buổi biểu diễn, khán giả đã được thưởng thức các vở chèo, trích đoạn và nhiều làn điệu dân ca đặc sắc, đặc biệt vở “Người đi đòi nợ Phật”... Cùng với đó là sự kết hợp giao lưu, biểu diễn của các câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng của địa phương.
Vở diễn “Người đi đòi nợ Phật”, tác giả kịch bản: Tiến sỹ Xuân Yến; chuyển thể chèo: Tiến sỹ Trần Đình Ngôn, Trần Đình Văn.
Đó là câu chuyện xoay quanh Trương Ngáo một người đàn ông có trí khôn chậm phát triển, tàng tàng, không phù hợp với cuộc sống xã hội là Trương Ngáo. Vợ Ngáo sai đem năm quan tiền vừa vay được, đi bổ hàng về bán lẽ lại trong xóm làng để kiếm chút lời độ nhựt. Khi Ngáo đi ngang một ngôi chùa, thấy người ta đang đúc tượng Phật, bèn bỏ tất cả tiền vào lò đúc vì nghe bồn đạo nói cúng tiền đúc Phật là hình thức cho Phật vay, sau này rất có lời. Về nhà, Ngáo hãnh diện khoe với vợ về hành vi thông minh của mình. Vợ Ngáo là Ba Bành, một người đàn bà đáo để, đánh cho Ngáo một trận nên thân và bắt đi kiếm lại tiền đem về.
Ngáo phải lên đường đi sang Tây Phương, mong tìm Phật đòi tiền, món tiền mà Ngáo coi như mình đã cho Phật vay. Trên đường đi, Ngáo gặp một người đàn bà luống tuổi chưa chồng tên là Như Ý, cô này nhờ Ngáo hỏi Phật về chuyện lương duyên trễ tràng của mình. Phật thương tình Ngáo hiền lành chơn chất nên hiện ra, cho thuốc giải trừ chứng dại ngu, ban cho một nhành cây có thể nhìn qua đó thấy cảnh ở xa và ban cho Ngáo một đồng tiền phép có thể hóa ra thật nhiều tiền.
Phật còn cải tên Ngáo thành Chơn Tâm dựa trên cái tâm thành thật chơn chất của Ngáo. Phật cũng trả lời về câu hỏi của người đàn bà kia, chỉ cho nàng biết rằng sẽ kết duyên cùng Chơn Tâm. Trở về đến chỗ của Như Ý, Ngáo uống thuốc Phật ban cho nên hết khùng khịu. Anh dùng nhánh cây phép nhìn thấy được cảnh vợ mình giờ đã sang ngang nên quyết định kết duyên cùng Như Ý. Từ đây anh sống cuộc đời an nhàn trong cảnh giàu sang với vợ mới, tên mới và cuộc đời mới, trí huệ mới.
Với lối diễn chuyên nghiệp, dàn dựng công phu của các đạo diễn, diễn viên Nhà hát chèo Vĩnh Phúc đã đem đến cho khán giả một đêm thưởng thức nghệ thuật chèo truyền thống đầy ấn tượng với nhiều cung bậc cảm xúc.
Vở diễn cũng chứa đựng bài học nhân văn sâu sắc về tình người, về luật “nhân – quả” trong cuộc sống, từ đó, giáo dục con người sống lương thiện, nhân ái. Vở chèo “Người đi đòi nợ Phật” sẽ tiếp tục được biểu diễn phục vụ nhân dân nhiều địa phương trong tỉnh.
Với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống, Nhà hát chèo Vĩnh Phúc đã dàn dựng nhiều vở diễn và chương trình nghệ thuật, với nhiều đề tài khác nhau, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật đã thu hút đông đảo nhân dân ở mọi lứa tuổi đến xem góp phần phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật và khơi dậy sự yêu mến của nhân dân đối với nghệ thuật chèo truyền thống.
Lê Sơn