Khu đất và nhà xưởng Công ty Hồng Phường đã thuê của Công ty Nho Quý
Sự việc xảy ra tại Công ty CP Sản xuất Hồng Phương (Công ty Hồng Phương), địa chỉ tại thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) khiến cổ đông của doanh nghiệp phải gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi. Tuy nhiên, sau thời gian dài chờ đợi, đến nay sự việc vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Theo nội dung đơn thư kêu cứu của bà Nguyễn Thị Chấp gửi tới các cơ quan chức năng và Thương hiệu & Công luận thì, Công ty Hồng Phương được thành lập tháng vào tháng 7/2016, do ông Đỗ Văn Thêm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc với số vốn điều lệ 6,8 tỷ đồng.
Sau khi thành lập, Công ty Hồng Phương ký giao kết Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất với Công ty TNHH Nho Quý (Công ty Nho Quý) để thuê của Công ty Nho Quý quyền sử dụng 28.000m2 đất cùng tài sản trên đất thuộc thửa đất số 03, Tờ bản đồ số 00 tại xóm Lau, xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc). Tại Hợp đồng thuê đất, các bên đã thỏa thuận thời hạn thuê là 10 năm, giá thuê là 350 triệu đồng/tháng để sản xuất gạch nung.
Ngày 11/05/2017, bà Chấp nhận chuyển nhượng cổ phần của một số cổ đông để trở thành người sở hữu 408.000 cổ phần, chiếm 60% tổng số cổ phần của Công ty Hồng Phương. Ông Đỗ Văn Thêm chiếm 10% cổ phẩn của công ty.
Sau khi bà Chấp trở thành cổ đông của Công ty Hồng Phương, Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất giữa Công ty Hồng Phương và Công ty Nho Quý vẫn tiếp tục được hai bên thực hiện.
Do gia đình ở xa công ty nên bà Chấp đã ủy quyền cho ông Vũ Duy Tân, thay mình trực tiếp giám sát việc sản xuất hàng ngày của Công ty Hồng Phương tại địa điểm: Thửa đất số 03, Tờ bản đồ số 00, địa chỉ thửa đất tại xóm Lau, xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc).
Ngày 08/03/2018, khi bà Chấp đến xem xét tình hình hoạt động kinh doanh của công ty, thì phát hiện thấy có một nhóm người khác đang trực tiếp sử dụng mặt bằng, nguyên vật liệu, thiết bị và các tài sản khác của Công ty Hồng Phương để sản xuất.
Tìm hiểu thông tin, bà Chấp được biết, ngày 06/03/2018, ông Đỗ Văn Thêm đã tự ý ký Biên bản thanh lý Hợp đồng và bàn giao tài sản lại cho Công ty Nho Quý (đồng ý thanh lý Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ngày 21/07/2016, đồng thời giao lại toàn bộ tài sản trên đất của Công ty Hồng Phương cho bên cho thuê là Công ty TNHH Nho Quý). Ngoài ra, tại Biên bản thanh lý hợp đồng này, ông Thêm cũng tự ý đồng ý thỏa thuận thanh toán và bồi thường cho Công ty TNHH Nho Quý số tiền 9,53 tỷ đồng.
Điều đáng nói, Biên bản thanh lý Hợp đồng và bàn giao tài sản do ông Thêm tự ý ký, không được sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông cũng như Hội đồng quản trị. Việc làm này của ông Thêm, không chỉ khiến Công ty Hồng Phương phải dừng hoạt động, mà còn biến cổ đông thành “con nợ” của Công ty Nho Quý.
Trước việc làm có dấu hiệu vi phạm pháp luật của ông Đỗ Văn Thêm và một số người có liên quan, bà Chấp đã làm đơn thư kêu cứu tới các cơ quan chức năng huyện Tam Dương và tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng trong suốt thời gian dài, sự việc không được quan tâm giải quyết một cách triệt để khiến bà có nguy cơ mất trắng tài sản tại công ty và trở thành “con nợ” của doanh nghiệp khác.
Một góc khu nhà xưởng Công ty Hồng Phương thuê của Công ty Nho Quý
Qua tìm hiểu hồ sơ vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Hưng – Giám đốc Công ty Luật Thái Hưng nhận định: Đối chiếu quy định của pháp luật, tôi nhận thấy việc ông Đỗ Văn Thêm và Công ty TNHH Nho Quý ký kết Biên bản thanh lý Hợp đồng nêu trên là trái quy định của pháp luật. Bởi, theo quy định tại điểm h khoản 2, Điều 149 - Luật Doanh nghiệp thì hội đồng quản trị có quyền: “Thông qua hợp đồng mua bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, nếu điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc giá trị khác”.
Như vậy, đối với những hợp đồng, giao dịch mà giá trị của hợp đồng, giao dịch đó bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản của công ty thì phải được hội đồng quản trị thông qua, giám đốc công ty hay chủ tịch hội đồng quản trị công ty không có quyền tự quyết định giao kết những loại giao dịch này.
Tại Biên bản thanh lý Hợp đồng và bàn giao tài sản ngày 06/03/2018, ông Thêm đã tự ý đồng ý thỏa thuận thanh toán và bồi thường cho Công ty Nho Quý số tiền 9,53 tỷ đồng, đồng thời tự ý quyết định bàn giao toàn bộ tài sản của Công ty Hồng Phương cho Công ty Nho Quý thay khoản thanh toán trên mà không được sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị.
Mức giá trị bồi thường mà ông Thêm tự ý quyết định và thỏa thuận trong Biên bản Thanh lý ngày 06/03/2018 lớn hơn mức 35% tổng giá trị tài sản của Công ty Hồng Phương. Vì thế, theo quy định tại điểm h khoản 2, Điều 149 Luật Doanh nghiệp nêu trên, Giám đốc Công ty Hồng Phương – ông Đỗ Văn Thêm không được tự mình quyết định việc ký Biên bản thanh lý Hợp đồng khi chưa được Hội đồng quản trị thông qua.
Ngoài ra, tại Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông Công ty Hồng Phương ngày 09/10/2017, tất cả các cổ đông của công ty đã thống nhất: “Kể từ ngày hôm nay, mọi công việc của công ty phải được sự bàn bạc của các cổ đông đi đến thống nhất thì mới được triển khai”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật và sự thống nhất của Đại hội đồng cổ đông, việc quyết định thanh lý Hợp đồng và bàn giao tài sản phải thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị, phải được sự thông qua của các cổ đông.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 117 - Bộ luật Dân sự 2015 thì, một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là “chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập”.
Ở đây, việc thanh lý Hợp đồng và quyết định bàn giao tài sản chưa được Hội đồng quản trị thông qua nên ông Thêm chưa có quyền thay mặt Công ty Hồng Phương ký kết Biên bản Thanh lý Hợp đồng và bàn giao tài sản ngày 06/03/2018. Do đó, Biên bản thanh lý Hợp đồng và bàn giao tài sản ngày 06/03/2018 là vô hiệu, vì không đảm bảo các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.
Do đó, có thể khẳng định, việc ký kết Biên bản thanh lý Hợp đồng và Bàn giao tài sản ngày 06/03/2018 là trái pháp luật, xâm hại đến quyền lợi của Công ty Hồng Phương và các cổ đông của công ty.
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp của công dân, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng huyện Tam Dương và tỉnh Vĩnh Phúc cần vào cuộc quyết liệt để trả lời cho công dân một cách sớm nhất về vấn đề trên; đồng thời, xử lý nghiêm các cá nhân có sai phạm nhằm đảm bảo tính nghiêm minh và công bằng của pháp luật.
Long Trần