Chiều 29/9, kênh dẫn dòng thủy điện Sêrêpốk 4A (thuộc Công ty cổ phần Thủy điện Buôn Đôn) đã bất ngờ vỡ toang hai bên, nhấn chìm hàng chục ha lúa và hoa màu của người dân nơi đây.
Hiện đơn vị thi công huy động công nhân cùng 1 máy ủi, 3 máy múc và 5 chiếc xe tải chở đất khẩn trương cho đắp lại hai đoạn kênh bị vỡ và đã khắc phục xong sự cố.Còn con số thiệt hại cụ thể do vụ vỡ kênh dẫn dòng gây ra vẫn đang được cơ quan chức năng huyện Buôn Đôn thống kê.
Nước tràn do kênh dẫn bị vỡ
Tuy nhiên, vụ việc này được ông Dương Văn Sanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Buôn Đôn giải thích rằng: "Nguyên nhân vụ vỡ kênh là do nước lũ đột ngột chảy về từ phía sông Sêrêpốk. Đơn vị thi công không kịp kéo phay chèn cống dâng nước lên để xả lũ, vì thế nước đã chảy qua cống dẫn nước (đoạn thuộc thôn 1, buôn N’Drếch A), chứ không phải bị vỡ. Thiệt hại cũng chỉ khoảng 2 sào lúa và 1 sào bắp”.
Cách trả lời này cho thấy việc thiệt hại của người dân dù thế nào cũng là đương nhiên xảy ra, còn thiệt hại nhiều hay ít cũng là do may rủi.
Điều này cho thấy việc người dân và nhiều nhà khoa học vốn lên tiếng phản đối, e ngại với thủy điện xem ra cũng là phù hợp.
Nước ngập làm hoa màu của người dân bị thiệt hại
Trước đó vào tối 26/9, hầm thủy điện La Hiêng 2 (Phú Yên) các công nhân đang làm việc ca đêm bên trong đường hầm thì nước lũ thượng nguồn bất ngờ đổ về, ba công nhân bị kẹt không ra được.
Ba nạn nhân là Nguyễn Thanh Cương, ở xã Xuân Quang 3, Nguyễn Công Lệnh ở xã Xuân Quang 1 (cả hai sinh năm 1987) và một công nhân người Trung Quốc là Zho Ming Sho. Công việc cứu nạn được thực hiện trong hai ngày qua, tuy nhiên chưa có kết quả.
Ông Nguyễn Mai Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần VRG Phú Yên cho biết: “Nước lũ lên quá nhanh vào khoảng 8 đến 9 giờ tối nên anh em không kịp trở tay. Hiện công ty đang triển khai hai phương án: tiếp tục huy động phương tiện để bơm hút nước từ trong hầm ra; đồng thời huy động thêm lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, đường hầm quá dài nên phải chờ bơm bớt nước trong hầm xuống, cứu hộ mới vào lấy xác nạn nhân được”…
Hay như trong vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 gần đây, khi sự cố xảy ra, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, trực tiếp là Sở Công thương Gia Lai đã không nắm bắt được các yếu tố kỹ thuật về đảm bảo an toàn đập. Thậm chí, Sở Công thương cũng như Sở Xây dựng đều không phát hiện việc chủ đầu tư thay đổi thiết kế nhằm giảm chi phí đầu tư.
Những ví dụ về sự “thí mạng” của người dân cho thủy điện là luôn rình tập không ít. Do vậy cũng có thể hiểu vì sao với 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nhận được nhiều quan tâm của báo giới, cử tri và cộng đồng địa phương lại nhiều năm lên tiếng phản đối đến mức Chính phủ phải chỉ đạo rà soát dừng dự án này lại.
Theo Bộ Công thương, ngoài hàng loạt các dự án mới bị đề nghị loại bỏ, đến nay vẫn có 340 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã đi vào vận hành hoặc đang trong quá trình đầu tư xây dựng.
Ở Việt Nam các nguồn thủy điện lớn nhất nói chung đã được khai thác và hiện nay người ta đang chuyển hướng khai thác các dự án thủy điện vừa và nhỏ ( công suất dưới 30 MW).
Tuy nhiên sau những vụ vỡ đập vừa qua, các thủy điện vừa và nhỏ đang trở thành tâm điểm của dư luận với hàng loạt câu hỏi đặt ra về chất lượng công trình, năng lực chủ đầu tư, năng lực quản lý và giám sát của cơ quan chức năng... tới đâu cũng như có nên dễ dãi với các dự án thủy điện?.
Theo ĐVO