![Ảnh minh hoạ Ảnh minh hoạ](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2021/08/28/fdi-3841-1630118504.png)
Theo đó, tính đến ngày 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, mức giảm của góp vốn, mua cổ phần đang được cải thiện dần.
Cụ thể, cả nước có 1.135 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 36,8%), tổng vốn đăng ký đạt gần 11,33 tỷ USD (tăng 16,3%). Lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư ghi nhận giảm 11%, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 5 tỷ USD (tăng 2,3%).
Về lĩnh vực đầu tư, dẫn đầu vẫn là khu vực công nghiệp chế biến - chế tạo với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,3 tỷ USD, chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với vốn đầu tư 5,5 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn. Theo sau lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ.
Trong 8 tháng qua, đã có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư dự án tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 6,2 tỷ USD, chiếm gần 32,5% tổng vốn, giảm 5% so với cùng kỳ 2020.
Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,2 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng vốn, tăng 94,9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, dòng vốn của Singapore và Nhật Bản chủ yếu chảy vào theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 79,4% và 73,9% tổng vốn đăng ký.
Mặc dù Hàn Quốc chỉ xếp thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,4 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư, giảm 17,8% so với cùng kỳ, song đây lại là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới cũng như số lượt dự án điều chỉnh vốn. Tiếp theo đó là Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan…
Bùi Quyền