THCL Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng BCĐ Quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, vừa yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành văn bản pháp quy về chính sách, cơ chế tài chính đối với việc sử dụng nguồn vốn ODA.

Giải ngân tốc độ… rùa

Báo cáo tổng hợp của BCĐ Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết đạt trên 1,59 tỷ USD, bằng 70,54% so cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị các hiệp định ký kết có chiều hướng giảm kể từ năm 2013 đến nay: Năm 2013: 6,601 tỷ USD; 2014: 4,379 tỷ USD và 2015 dự kiến là 3,313 tỷ USD.

Đây là xu thế chung hiện nay khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình và cũng phù hợp với chính sách huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi là đặt trọng tâm vào chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn này để bảo đảm nợ công bền vững.

Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 1,917 tỷ USD, thấp hơn 38% so cùng kỳ năm 2014.

Như vậy, vẫn còn tới 21 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã cam kết, nhưng chưa được giải ngân, nhiều dự án triển khai rất chậm gây lo ngại cho các nhà tài trợ. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, vấn đề ở đây không phải thiếu tiền, thiếu vốn, mà chính là chậm giải ngân.

Chính phủ đánh giá, trong những tháng đầu năm, các ngành, các cấp đã chủ động, tích cực vận động, tổ chức thực hiện và giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Nhiều cơ quan đã triển khai hiệu quả chủ trương chuyên nghiệp hóa ban quản lý dự án; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, song việc giải ngân chưa đạt được yêu cầu đề ra.

Nguyên nhân gây chậm trễ tiến độ giải ngân chủ yếu vẫn là vướng mắc về quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành; vướng mắc do các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án; do khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ và do vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời...

TS. Bùi Ngọc Sơn, Viện Nghiên cứu Chính trị Thế giới cho biết: “Việc tồn đọng số vốn lớn như vậy, theo tôi, trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân nằm ở động lực nền kinh tế. Thời điểm thị trường BĐS phát triển sôi động thì việc giải ngân có tiến triển hơn. Bởi lẽ, nguồn vốn ODA chủ yếu được đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông..., nhiều DN mong muốn dự án được triển khai nhanh chóng nhằm tận dụng thời cơ để kiếm lợi từ đất đai. Tuy nhiên, với thị trường BĐS như hiện nay thì rõ ràng, nhiều DN không còn mặn mà...”.

Quyết liệt trong điều hành

Theo BCĐ Quốc gia, 23 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi trong danh sách dự án chậm tiến độ năm 2015 được tiếp tục rà soát, đánh giá. Kết quả, 10/23 dự án về cơ bản đã giải quyết xong các khó khăn, vướng mắc, bao gồm: Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; Dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện; Dự án thành lập 5 trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc...

Tuy nhiên, với việc bổ sung thêm Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, danh sách dự án chậm có 14 dự án cần tiếp tục được giám sát thường xuyên.

Trước tình trạng vốn ODA bị “treo” không thể giải ngân, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành chính sách, cơ chế sử dụng nguồn vốn này.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và ban hành văn bản pháp quy về chính sách, cơ chế tài chính đối với việc sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi phù hợp với quy định hiện hành và tình hình, khả năng vận động nguồn vốn này trong thời gian tới.

Yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương làm chủ quản các chương trình, dự án có tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm thấp và trong danh sách chậm tiến độ cần quyết liệt hơn trong điều hành công tác giải ngân.

Vấn đề giải phóng mặt bằng là khâu then chốt, đột phá cần được tập trung tháo gỡ để thúc đẩy tiến độ thực hiện các chương trình, dự án.

TS. Bùi Ngọc Sơn chia sẻ: “Dự án ODA vào Việt Nam, chúng ta không kịp thời giải ngân - sẽ làm ảnh hưởng tới nền kinh tế, mà trước mắt là những khoản nợ quốc gia. Vì thế, điều quan trọng là phải cân nhắc, xem xét các dự án ODA nào thật sự cần thì mới cho đầu tư, chứ không nên nhận viện trợ tràn lan như hiện nay”.

Hoan Nguyễn (Thương hiệu& Công luận)