Ông Lê Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam báo cáo tại hội nghị (Ảnh: Thanh Huyền)
Tại hội nghị ông Lê Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của khối cảng biển cũng như vai trò, nhiệm vụ của hiệp hội trong thời gian qua cho thấy: Khối lượng hàng hóa nhập/xuất qua các cảng VPA trong năm 2018 đạt khoảng 293 triệu tấn (tăng hơn 11% so với năm 2017), trong đó hàng container đạt 13 triệu TEU, tăng hơn 11%. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, khối lượng container thông qua các cảng tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước.
Có hơn 56% trong tổng số cảng đạt sản lượng hàng hóa thông qua cao hơn năm trước.
Lượng hàng hóa thông qua các cảng vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm cảng số 5 (chiếm gần 60% thị phần cả nước, trong đó thị phần khu vực tp. Hồ Chí Minh và Đồng Nai chiếm khoảng 39%; khu vực Cái Mép, Thị Vải (BR-VT) chiếm khoảng 22%).
Tại khu vực cảng nước sâu Cái Mép Thị Vải, hàng container năm 2018 tăng 21%, 6 tháng đầu năm 2019 tăng 26%. Đây là cụm cảng có tiềm năng rất lớn, có thể phát triển lên qui mô cụm cảng, trung tâm thương mại hàng hải, tầm cỡ quốc tế. Với việc hoàn thiện hạ tầng cảng biển, giao thông kết nối mà tới đây là kết nối sân bay Long Thành sẽ tạo năng lực, nền tảng cho tốc độ phát triển bứt phá của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cảng Đông Xuyên (Vũng Tàu) giới thiệu đại biểu tham dự trước thềm hội nghị về năng lực hoạt động (Ảnh: Thanh Huyền)
Tuy nhiên theo báo cáo của Chủ tịch Hiệp hội (VPA): Bên cạnh sự phát triển, các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam gặp không ít khó khăn về kinh doanh, cạnh tranh giảm giá… giá dịch vụ container do Bộ GTVT điều tiết còn quá thấp và bao cấp cho dịch vụ vận tải nội địa mà thực chất là nối chuyến cho vận tải biển nước ngoài; giao thông kết nối và luồng lạch hạn chế cũng là nguyên nhân khiến các cảng khu vực tp. Hồ chí minh, khu vực Hiệp Phước không thể thu hút thêm tàu hàng, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng này vì thế giảm sút; chưa có sư kết nối đồng bộ giữa cảng biển với cơ sở hạ tầng luồng lạch, hành lang giao thông đường bộ và chuỗi dịch vụ logistics đi kèm. Thủ tục “xin-cho” địa điểm đổ bùn nạo vét luồng, duy tu trước bến hàng năm cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh các cảng…
Hiệp hội cảng biển Việt Nam đã kiến nghị đến Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền11 nội dung trong đó có nội dung liên quan kết cấu hạ tầng cảng biển và giao thông kết nối, được xem là tồn tại lớn nhất hiện nay(như đường; luồng lạch; quy hoạch địa điểm đổ thải nạo vét luồng hàng hải, bến cảng; quy hoạch trung tâm logistics…); về định giá cảng phí và lệ phí hàng hải, giá các dịch vụ hàng hải đi kèm; thu hút vốn; quy hoạch phát triển cảng hành khách chuyên dụng, hàng hóa khác ngoài container; thủ tục hải quan điện tử…
Đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Thanh Huyền)
Trước những vấn đề đặt ra, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam tiếp tục vận động các cảng thành viên tham gia góp ý về chủ trương, chính sách quy hoạch phát triển cảng biển, về cơ chế quản lý cảng biển theo Bộ Luật hàng hải, phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp nhằm bình ổn và minh bạch hóa thị trường dịch vụ cảng biển, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Dịp này, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam trao 2 căn nhà đại đoàn kết (trị giá 60 triệu/1 căn) và 16 phần quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tỉnh BR-VT với tổng trị giá 200 triệu đồng.
Thanh Huyền