Vụ Khaisilk bán khăn Trung Quốc, Bộ Công Thương chỉ ra dấu hiệu phạm pháp hình sự. (Ảnh minh họa)
Nội dung này được đề cập trong kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Công ty TNHH Khải Đức, chủ thương hiệu Khaisilk, do Bộ Công Thương ký vừa quyết định.
Theo đó, Bộ Công Thương kết luận Khaisilk đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng.
Cụ thể, trong kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Khải Đức ngày 11/12/2017, Bộ Công Thương nêu rõ Công ty TNHH Khải Đức (Khaisilk) kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra chỉ tập trung xác minh, kiểm tra các nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất, gia công, xuất nhập khẩu, mua bán các sản phẩm thời trang.
Kết quả kiểm tra cho thấy, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2006 - 2009, công ty của ông Hoàng Khải có nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, giai đoạn từ 2009 đến ngày 15/10/2017, Khaisilk không còn thực hiện các hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thời trang.
Từ năm 2012 đến thời điểm kiểm tra Khaisilk cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước. Công ty chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường.
(Ảnh minh họa)
Công ty của ông Hoàng Khải đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng. Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Khaisilk cho thấy cho kết quả kiểm tra khác (không có thành phần silk) so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm (“100% silk”).
Kết luận Bộ Công Thương nêu rõ Khaisilk đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn. Cụ thể: (i) một số hóa đơn do Công ty xuất trình không hợp lệ (hóa đơn không phải do Chi cục Thuế phát hành, quản lý), một số hóa đơn kê khai không đúng tên hàng hóa; (ii) một số lượng lớn sản phẩm chênh lệch giữa số liệu chứng từ kế toán và số liệu kiểm tra thực tế tại một chi nhánh công ty. Khaisilk không giải trình được nguyên nhân hoặc xuất trình đầy đủ hóa đơn cho số sản phẩm này.
Khaisilk cũng có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. Cụ thể, quá trình kiểm tra phát hiện một số sản phẩm không gắn nhãn hàng hóa theo quy định; một số sản phẩm còn lại có gắn nhãn hàng hóa nhưng ghi không đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 và Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Công ty Khải Đức cũng có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng. Công ty cung cấp thông tin tới người tiêu dùng thông qua website với một số nội dung không chính xác. Đồng thời, Công ty đã bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cùng với các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam trong cùng cửa hàng nhưng đã không giới thiệu hoặc thông tin không đầy đủ cho người tiêu dùng về xuất xứ và thành phần của các sản phẩm này.
Căn cứ kết luận kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Chủ trì họp với các đơn vị liên quan để nghe báo cáo về việc kiểm tra và xử lý vụ vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Quản lý thị trường (nay là Tổng cục Quản lý thị trường) chỉ đạo đơn vị chức năng ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội.
Như vậy liên quan sai phạm của Khaisilk đã được Bộ Công Thương chỉ ra rất rõ, vụ việc đã chuyển sang PC46 Công an TP. Hà Nội. Bước tiếp theo vụ việc sẽ thế nào, Công ty Khải Đức có bị khởi tố? Buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng Khaisilk có phải chịu trách nhiệm…?
Cơ quan công an đang “nợ” dư luận câu trả lời.
Trước đó ngày 23/10/2017, trên trang Facebook cá nhân Đặng Như Quỳnh đã phản ánh sự việc mua phải khăn lụa Khaisilk có gắn mác “Made in China”.
Theo anh Quỳnh, ngày 17/10, công ty của gia đình anh đã đặt mua 60 chiếc khăn lụa với giá 644.000 đồng mỗi chiếc tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hà Nội) với tổng giá trị đơn hàng là 38.640.000 đồng.
Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, công ty phát hiện trong lô hàng có một chiếc khăn vừa có mác “KHAISILK - Made in Vietnam”, vừa có mác “Made in China”.
Ngay sau đó, Văn phòng Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin trên; nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý.
Trước đó, nhiều người vẫn tin rằng ông Hoàng Khải là một doanh nhân làm ăn chân chính bằng những sản phẩm của Việt Nam. Nên khi sự việc vỡ lở họ đã vô cùng thất vọng.
Theo Hoàng Linh/Sức Khỏe Cộng Đồng