THCL Liên quan đến vụ “núp bóng dự án, khoét núi bán đất”, Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng cho biết đã vào cuộc, đề nghị phóng viên cung cấp thêm thông tin, hình ảnh làm rõ sai phạm của Dự án chống sạt lở núi Xuân Sơn.
Dư luận băn khoăn: Trong khi đó, Sở TN&MT Hải Phòng lại “thoái thác trách nhiệm”; giống như trước đây sở này chỉ “nhắc nhở” trên giấy, còn bỏ mặc cho tài nguyên bị “xẻ thịt”?
Xác minh làm rõ sai phạm
Sau khi Thương hiệu & Công luận có bài “Núp bóng dự án, khoét núi bán đất”, phản ánh việc lợi dụng danh nghĩa chống sạt lở cho núi Xuân Sơn, chủ khai thác đất, đá đã ồ ạt đưa phương tiện, máy móc đào khoét đất đá bán cho các dự án san lấp trên địa bàn Hải Phòng, Hải Dương, Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng đã có buổi làm việc với phóng viên - đề nghị cung cấp thêm thông tin giúp cơ quan này xác minh làm rõ.
Theo đó, Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng đề nghị phóng viên cung cấp tài liệu, hình ảnh về những sai phạm tại Dự án chống sạt lở núi Xuân Sơn, huyện An Lão. Tại buổi làm việc, Ban Nội chính đánh giá cao bài viết, cũng như việc thu thập tài liệu đầy đủ, chi tiết về vụ việc của phóng viên Thương hiệu & Công luận. Ban Nội chính cũng đề nghị phóng viên tiếp tục hợp tác trong việc thu thập các tài liệu liên quan đến vụ việc mà dư luận đang quan tâm.
Được biết, Ban Nội chính Thành ủy đã thu thập đầy đủ các thông tin, tài liệu xung quanh sai phạm tại dự án này, đồng thời, đã thực hiện xác minh đối với các dự án san lấp sử dụng nguồn đất đá lấy từ khu vực núi Xuân Sơn. Theo Ban Nội chính, sau khi xác minh làm rõ, cơ quan này sẽ có báo cáo chỉ rõ những sai phạm của các đơn vị liên quan, trách nhiệm của các cơ quan trong việc để xảy ra khai thác đất trái phép, gửi Thường trực Thành ủy xem xét xử lý.
Sở Tài nguyên và Môi trường nói gì?
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hùng Tiến, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT) cho rằng, việc hàng đoàn xe ben chở đất, đá từ khu vực núi Xuân Sơn tới các dự án san lấp ở khắp nơi không chắc đã là bán trái phép tài nguyên vì “có thể có “luật” khác cho phép nhà thầu chở đất đá ra ngoài bán”(?!).
Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi “từ 30/10/2015, UBND Thành phố đã có văn bản, trong đó “nghiêm cấm việc vận chuyển đất, đá ra khỏi khu vực chống sạt để bán” nhằm ngăn chặn việc khai thác đất đá trái phép trục lợi?” thì ông Tiến không thể trả lời.
Trả lời câu hỏi về khối lượng đất đá bị đào bới, vận chuyển trái phép đi bán cho các dự án san lấp đến nay là bao nhiêu, ông Tiến nói, Sở không thể xác định được khối lượng đất đá bị đào bới mang ra ngoài bán.
Trong khi đó, với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên, sở này phải có trách nhiệm đo đạc, tính toán được toàn bộ trữ lượng khoáng sản, cũng như xác định rõ khối lượng đã bị “xẻ thịt”.
Về vị trí đào khoét tạo vách dựng đứng khiến cho càng chống sạt càng sạt lở thêm, ông Tiến biện minh: “Bằng mắt thường thì cơ bản việc thi công trong vị trí, còn muốn biết chính xác thì phải kiểm tra bằng máy, có thể sai lệch vài mét”.
Khi phóng viên cung cấp nội dung tài liệu, do chính Sở TN&MT ban hành, nói về việc đào khoét vô tội vạ không đúng mốc giới, ông Tiến nói “Sở sẽ giao cho Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường kiểm tra” (?).
Ông Tiến còn cho rằng,việc bảo vệ tài nguyên là thuộc chính quyền huyện, xã. Đối với trách nhiệm của Sở TN&MT, theo ông Tiến: “Phòng Khoáng sản chúng tôi chỉ có 4 người, không phải là công an,… nên có phát hiện thấy thì cũng chẳng thể bắt họ dừng được. Cái này thuộc thẩm quyền huyện và thành phố. Chỉ huyện và thành phố mới dừng và tước giấy phép hoạt động của họ được”.
Tuy nhiên, theo quy định, với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND TP, Sở TN&MT có thể kiến nghị thành phố ra quyết định dừng hoạt động tại dự án có sai phạm này. Song từ trước đến nay, mặc dù phát hiện có hoạt động khai thác trái phép, sở này chưa từng kiến nghị dừng hoạt động.
“Điệp khúc”… nhắc nhở
Theo tìm hiểu, tại Dự án chống sạt núi Xuân Sơn, Sở TN&MT đã sớm phát hiện ra tình trạng đào khoét sai vị trí nhằm khai thác đất đá trái phép mang bán ra ngoài, tuy nhiên, sở này chỉ “nhắc nhở” trên giấy, sau đó, bỏ mặc cho hoạt động khai thác trái phép “vô tư” diễn ra?
Cụ thể, tháng 1/2016, phát hiện có sự mập mờ về ranh giới, mốc giới trước khi tiến hành thi công chống sạt lở núi Xuân Sơn, SởTN&MT đã ra văn bản “nhắc” huyện An Lão thực hiện theo đúng quy định, đồng thời đề nghị huyện hoàn thiện hồ sơ chống sạt theo đúng phương án thi công đã được phê duyệt.
Tháng 5/2016, Sở TN&MT đã có văn bản báo cáo UBND TP. Hải Phòng, trong đó khẳng định quyết định phê duyệt phương án chống sạt của UBND Thành phố không có nội dung nào cho phép UBND huyện An Lão bán đất đá ra ngoài, chủ đầu tư là Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng huyện An Lão, không có chức năng kinh doanh đất đá.
Tuy nhiên, Sở TN&MT lại tiếp tục “điệp khúc” quen thuộc đó là ra văn bản đôn đốc UBND huyện An Lão đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, kế hoạch khai thác…, đồng thời, đề nghị huyện này ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản không phép, trái phép tại khu vực.
Thậm chí, tháng 10/2016, thực hiện kiểm tra thực địa phát hiện hoạt động khai thác, vận chuyển đất đá ra khỏi khu vực, Sở TN&MT vẫn chỉ ra văn bản với “điệp khúc” quen thuộc - yêu cầu huyện An Lão thực hiện thi công đúng phương án thi công, có văn bản đăng ký để cấp quyền khai thác khoáng sản. Trong khi đáng lẽ sở này phải đề xuất dừng hoạt động tại đây để bảo vệ khoáng sản theo quy định.
Điều này khiến dư luận không khỏi nghi ngờ: Liệu rằng, ở đây có sự bao che – “làm ngơ” của cơ quan chức năng và chính quyền, bỏ mặc cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn ra?
Hậu quả là cả vạt đồi rộng hàng chục ha đã bị đào bới nham nhở, khu vực chân đồi bị đào khoét, tạo vách dựng đứng và những cái hố sâu hoắm!
Nhật Minh