Phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn về vấn đề này với Luật gia-Th.s Luật Nguyễn Quang Quý (thuộc chi Hội luật gia Sở Tư pháp-Hội luật gia tỉnh Gia Lai). Theo ông Quý, đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội, người ta không tự mình bảo vệ được bản thân thì có thể nhờ đến cơ quan, đoàn thể giúp đỡ. Cụ thể Y Nhiêu có thể tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý hoặc bảo vệ.
Th.s-Luật gia Nguyễn Quang Quý
Theo đó, Y Nhiêu phải chứng minh mình là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Hoặc thuộc hộ nghèo (Sổ hộ nghèo hoặc xác nhận của UBND xã), cùng với các giấy tờ về nhân thân để được xem xét…
Trong vụ án này, nếu Y Nhiêu chứng minh được mình thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý nói trên thì có thể nhờ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kon Tum (nơi thường trú) hoặc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Gia Lai (nơi xảy ra vụ việc) để được trợ giúp pháp lý miễn phí.
Về vấn đề bị hại cho biết có một người khác là “chị em kết nghĩa” với bà Nga tên Na cũng thường xuyên tham gia lấy mảnh chai, dao lam cắt vào mặt. “Vết thương trên mặt em là do Na dùng dao mổ rạch” thì vai trò của bà Na này như thế nào trong vụ án?. Luật gia Quý cho rằng: Vấn đề này đó là lời khai, lời trao đổi của Y Nhiêu với báo chí. Còn quá trình điều tra, cơ quan Công an sẽ xác định có hay không sự tham gia của bà Na? Nếu có thì cơ quan điều tra cũng có thể khởi tố, với vai trò đồng phạm giúp sức.
Sau khi nắm bắt các thông tin liên quan đến vụ tra tấn dã man xảy ra trên địa bàn TP. Pleiku gây phẫn nộ dư luận trên cả nước. Cùng với đó, hoàn cảnh nạn nhân rất khó khăn, lại là người dân tộc thiểu số nên nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Vì vậy, đã có 2 Luật sư đồng ý đứng ra tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí cho chị Y Nhiêu nếu như chị cần sự giúp đỡ.
Cụ thể là Luật sư Phạm Ngọc Quang-Trưởng Văn phòng luật sư Quang Phạm (địa chỉ 40Lê Hồng Phong, TP. Pleiku) và Luật sư Lê Văn Thành-Trưởng Văn phòng luật sư Lê Thành. Cả hai đều thuộc Đoàn luật sư tỉnh Gia Lai.
Như đã thông tin trước đó, từ khoảng tháng 5/2018, sau một thời gian làm thuê cho đối tượng Nga "vọc" (tại tổ 3, phường Thống Nhất-TP.Pleiku), Y Nhiêu liên tục bị tra tấn, hành hạ bằng nhiều hình thức dã man như: lấy cây sắt hơ nóng dí lên người; lấy bàn là ủi lên người; lấy dao lam rạch mặt; lấy búa đập vào ngón tay; dùng kềm cắt tai, nhổ răng; đóng đinh vào cây đập lên người... Ngày 10/7, sau hơn 1 tháng rưỡi bị hành hạ, Y Nhiêu đã trốn thoát và được người dân đưa đi báo công an.
Ngày 24/7 Công an TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thị Hà (thường gọi Nga "vọc" SN 1979) về hành vi "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 BLHS năm 2015 và sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Kim Yến