Cây đời mãi mãi xanh tươi
Tôi làm thư ký – biên tập cho một tạp chí tuần (48 trang). Do TBT đã nhiều tuổi, lại bù đầu việc nghiên cứu chuyên môn nên “bán cái” cho một nhà báo tên P - làm Trưởng ban Biên tập, phụ trách Tòa soạn.
Sau hơn 2 năm, tạp chí hoạt động từng bước đi vào nền nếp, có quy củ và dần dần tạo dựng được thương hiệu. Trong lúc hết thảy mọi cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên hào hứng, say mê thì bỗng dưng xảy ra “sóng gió”… Đợi cớ “chín muồi”, TBT ra quyết định cho thôi việc đối với Trưởng ban Biên tập. Còn tôi, vẫn làm Thư ký – biên tập.
Nhà báo Xuân Phong: “Hiện hữu trong tôi một tập thể đoàn kết – nỗ lực & kỳ vọng”…
Khi đó, ông TBT đưa con trai có tên S. làm Phó TBT (có lẽ đã chuẩn bị từ trước); đồng thời kéo một người thân tên V. đang làm biên tập viên một tờ báo về làm Trưởng ban Biên tập.
Do V. làm “hai mang” nên tuần nào cũng vậy, dù bài vở xong sớm thì chúng tôi vẫn cứ phải đợi chờ đến mãi 17 - 18 giờ chiều, cậu ta đến xử lý bài vở, xong xuôi mới chuyển nhà in. Vất vả vô cùng.
Nhưng với tôi, còn có những nỗi khổ hơn thế.
Số là, cậu S. Phó TBT (con trai TBT), thường tỏ ra lầm lì, đôi lúc hoài nghi, rằng “tôi là người do anh P. đưa vào”, vì vậy, không mấy mặn mà, thậm chí còn gây khó khăn trong công việc đối với tôi.
Trong tạp chí, có cô M. Trưởng phòng Phóng viên. Cô này, chẳng hay tự khi nào, tìm cách “ve vãn” cậu S. Tới mức, chưa đầy 5 tháng, 3 lần chuyển cơ quan (cùng trong một tòa nhà) thì 3 lần S. đều xếp cô M. ngồi cạnh cậu V (Trưởng ban Biên tập) với ý đồ muốn đưa cô ta thay vị trí của tôi. Anh chị em phóng viên rất bức xúc, nhưng chẳng ai dám hé răng nửa lời. Ngay như tôi, biết rõ điều đó, nhưng cũng đành lặng im.
Khoảng thời gian tiếp theo, tôi thấy công việc không những không tiến triển, còn vô cùng vất vả và rối rắm nên kiến nghị TBT, nhưng cũng phải năm lần bảy lượt kiến nghị, sếp mới cho cậu V. nghỉ việc, để mình tôi lo. Sau đó không lâu, cậu S. lộ ra mặt và rồi cái gì đến sẽ đến: Đưa cô M. lên làm Thư ký thay tôi, đẩy tôi xuống làm biên tập. Mọi người càng thêm bức xúc.
Ngay số đầu tiên, cô M. làm Thứ ký, đã xảy ra lỗi lớn trang nhất: “Vịnh Hạ Long” thì thành “Vịnh Hạn Long”. Cách bài trí, sắp xếp trang báo và ảnh rất lộn xộn, thiếu nhất quán. Tuần thứ hai, tôi bị cảm cúm. Nhân đà đó, anh chị em rỉ tai tôi: “Anh ốm cứ nghỉ, chẳng hơi sức đâu”. Tôi nghe theo và xin phép nghỉ ở nhà.
Rồi thì sao? Số thứ hai, cô M. phụ trách, bài vở không được biên tập, cứ thế “bệ nguyên xi” lên trang báo, sai sót đếm không xuể. Cũng lại trang nhất mắc lỗi lớn: “Châu Á – Thái Bình Dương” thì thành “Châu Á – hái Bình Dương”!
Ngay tối hôm đó, cậu S. dẫn con gái nhỏ vào thăm tôi. Và tôi khi ấy, không còn nhận thấy một con người khinh khỉnh, lầm lì lúc trước, thay vào đó, cậu Phó TBT tâm sự, trao đổi, chia sẻ bằng những lời lẽ chân tình, cởi mở: “… Anh ra Tòa soạn tiếp tục làm Thư ký giúp em”…
Thói đời còn lắm bon chen
Tôi chuyển về một tờ tuần báo. Thời gian đầu, tôi phụ trách biên tập, sau hơn 1 năm được “phong”: Phó trưởng ban Thư ký – Biên tập, phụ trách biên tập.
Trên thực tế, tôi làm thay cậu T. Trưởng ban Thư ký ngay từ thời gian đầu (nhưng tiền lương chỉ bằng 2/3 so với Trưởng ban Thư ký).
Cậu TBT tên N. kéo thêm một người thân tên D. nguyên Phó TBT một tờ báo, đã nghỉ hưu về làm “cố vấn” cho TBT.
Bà D. không làm bất kỳ một côngviệc gì. Nhưng “to mồm” thì thôi rồi… Chỉ trừ có Trưởng ban Thư ký và tôi, còn lại đối với những người khác, bà D. luôn miệng quát tháo, dọa nạt.
Hai năm sau, khi thấy T. Trưởng ban Thư ký không đảm trách được công việc, cậu TBT ra quyết định chuyển T. sang làm Trưởng ban Trị sự (Trưởng ban Trị sự cũ xin chuyển) và thay Trưởng ban Thư ký bởi bà D. Bà D. khi đó kiến nghị tại cuộc họp: “Công việc thư ký – biên tập, theo tôi nên giao cho ông XP là hợp lý”.
Tuy nhiên, TBT không hề để tâm!
Và rồi, cậu TBT vẫn quyết định để bà D. làm Trưởng ban Thư ký.
Lực cười ở chỗ, bà D. còn kém hơn cả cậu Trưởng ban Thư ký cũ: Không biết viết, không biết biên tập, không hình dung nổi thư ký thì làm những công việc gì… Vì thế, tôi vẫn cứ là “vừa biên tập, vừa thư ký”.
Sau thời gian ngắn, có cô HL. Trưởng phòng Phóng viên (trong anh chị em thường ỳ xèo “giữa cậu TBT và cô HL có mối quan hệ mật thiết”) - được lãnh đạo ra quyết định làm Trưởng ban Thư ký, thay vị trí bà D.
Lại thêm chuyện nực cười: Cô HL chỉ biết viết bài, không biết biên tập và chưa từng làm thư ký bao giờ!
Tôi ngậm ngùi, đôi lúc thấy mệt mỏi, gắng làm đúng bổn phận của mình: Biên tập xong là về.
Đúng 1 tháng đảm nhiệm Trưởng ban Thư ký, cô HL không làm nổi, không chịu được sức ép, cùng với thời gian tuần nào cũng ít nhất 22 giờ mới xong việc thì… kêu trời! Cô ta nài nỉ tôi: “Anh làm xong đừng về vội, giúp em”.
Tôi dứt khoát: “Đó không phải là việc của tôi. Bạn chớ ảo tưởng”! Thế là cô ta chạy… mất dép!
Cậu TBT lại chuyển T. vừa làm Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Thư ký. Còn tôi lại “ngậm đắng” - tiếp tục công việc của mình như thuở ban đầu đó là “vừa biên tập, vừa thư ký”.
Nói người chẳng ngẫm đến ta…
Tôi chuyển sang một tạp chí tháng, làm Trưởng ban Thư ký – Biên tập. Cơ quan chủ quản là một hiệp hội của TP. Hà Nội. Về cơ bản, ở đây chỉ làm trong khoảng 10 ngày.
Tòa soạn, có nữ TBT tên D (khi đó vẫn đang làm Phó TBT một tờ báo), một nữ Phó TBT tên K, Trưởng ban Thư ký – Biên tập (tôi), một nữ kế toán, một nữ đọc bông. Các lãnh đạo toàn bận đâu đâu nên công việc của người “bếp núc” – tôi lo nội dung bài vở lên trang tạp chí là chính.
Bài vở, ngoài TBT, Phó TBT và tôi viết, còn lại đều đặt bài của các CTV ruột gửi đến. Bởi tạp chí không có phóng viên; có 2 nữ biên tập viên thì đều đang công tác tại tờ báo của chị D. Nghe đâu, qua K nói lại rằng, chị D bảo “hai biên tập viên này cứng lắm”. Tuy nhiên, tôi thì lại thấy họ quá xoàng xĩnh. Vì thế về sau, bài vở tôi tự biên tập, còn thấy hơn là gửi qua cho họ, mất thêm thời gian, vẫn phải làm lại, không thể chủ động.
Sau mỗi số tạp chí (88 - 96 trang), chỉ 2 lãnh đạo và tôi ngồi họp, bàn bạc định hướng cho số sau, nhất là trang bàn tròn – tâm điểm và thường là chốt trang này ngay trong cuộc họp. Công việc, tôi cứ thế mà triển khai. Và 2 lãnh đạo thì lại… mất hút.
Thời gian trôi, tôi biết thêm nhiều điều ở người TBT, tính tình khá phức tạp, thậm chí cáu bẩn. Mỗi lần họp, chị D. thường “ra lệnh” cho tôi phải thế này, phải thế kia… một cách rất vô lý mà trong suy nghĩ của tôi thì đó là sự độc đoán, quen “nạt” người.
Càng ngày, tôi càng nhận thấy khoảng cách giữa tôi với chị D. lớn dần. Trong khi đó, Phó TBT chứng kiến và biết rõ mọi điều, luôn động viên tôi: “Thôi cậu à, gắng bỏ qua những chuyện vụn vặt. Mình cùng chiến đấu…”.
Nhưng rồi tôi vẫn quyết định “dứt áo ra đi” bởi…
Như mọi khi, hôm đó, chúng tôi tổ chức họp sau ngày ra số tạp chí. Sau hồi trao đổi, bàn bạc, tranh luận khá sôi nổi, thêm phần gay gắt, chị D. lên giọng: “Cậu làm Thư ký thì cậu cần phải biết tất cả thứ trưởng các bộ”!...
Thương hiệu & Công luận – nơi tôi gắn bó, mới ngày nào về đầu quân, góp sức lo toan gánh vác, chia sẻ cùng Ban lãnh đạo và hết thảy cán bộ, anh chị em phóng viên, biên tập viên, nhân viên…, mà nay đã tròn 5 tuổi.
Quá khứ, hiện tại, đọng lại và lắng sâu những kỷ niệm vui buồn. Nhưng hiện hữu trong tôi đó là một Tòa soạn với tập thể đoàn kết – nỗ lực – kỳ vọng vào một tương lai phát triển ổn định, vững chắc “ghi tên mình” vào làng báo nước nhà trên bước đường đổi mới và hội nhập.
Xuân Phong