Bắt đầu được phát triển nuôi mạnh từ cuối những năm 1990 với đối tượng nuôi chủ yếu là cá basa và tập trung tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bước sang đầu thế kỷ XXI, ngành sản xuất cá basa và sau này là cá tra đã trở thành đối tượng nuôi quan trọng thứ hai sau tôm nước lợ và duy trì được nhịp độ tăng trưởng tốt qua các năm.

Cá tra là đối tượng nuôi có lợi thế và tiềm năng tự nhiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù diện tích không lớn (khoảng 5.000ha), nhưng với năng suất nuôi cao, sản lượng cá tra hàng năm đã đạt khoảng 1,1 triệu tấn, tạo nguồn nguyên liệu lớn có chất lượng phục vụ chế biến xuất khẩu.

Vướng “ma trận” rào cản, cá tra hướng về thị trường nội địa - Hình 1

Chú trọng phát triển thị trường nội địa

Từ chỗ chỉ xuất khẩu đạt từ vài triệu đến vài chục triệu USD trong những năm đầu vào thị trường chính là Mỹ, đến cuối năm 2016, sản phẩm cá tra đã có mặt tại gần 140 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, nhất là từ sau năm 2016, ngành sản xuất cá tra và một số sản phẩm quan trọng khác như tôm, cá ngừ,… phải chịu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, suy thoái toàn cầu kéo dài, các rào cản thương mại, kỹ thuật của nhiều thị trường nhập khẩu.

Dù vậy, tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá tra và một số sản phẩm thủy sản quan trọng khác vẫn duy trì tốt mức độ tăng trưởng trong năm 2016 so với năm 2015.

Theo số liệu của Trung tâm Thông tin thủy sản, 8 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 5,25 tỷ USD, tăng 18,24% so cùng kỳ năm 2016, các mặt hàng chính đều có mức tăng trưởng khá. Giá trị xuất khẩu xuất khẩu cá tra đạt 1,16 tỷ USD, tăng 7,41% so cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, giá trị xuất khẩu tôm tăng 21,24% (đạt 2,34 tỷ USD), xuất khẩu mặt hàng cá ngừ tăng 21,37% (đạt 376 triệu USD) và xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt hơn 402 triệu USD, tăng gần 55% và xuất khẩu cá các loại (không kể cá ngừ và cá tra) tăng 14,78%, đạt 826 triệu USD.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến khó lường và xu thế hội nhập quốc tế, Bộ NN&PTNT và ngành thủy sản đang thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đổi mới cách tiếp cận trong công tác quản lý, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị để tạo ra nguồn nguyên liệu có chất lượng, cung cấp cho thị trường các sản phẩm sạch, đa dạng với giá thành cạnh tranh để duy trì nhịp độ tăng trưởng ổn định.

Theo ông Dương Long Trì, bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển ngành hàng, ứng dụng khoa học và công nghệ và tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi, gắn sản xuất với thị trường, việc giữ vững và phát triển thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…, phát triển các thị trường mới, trong đó có chú trọng phát triển thị trường nội địa thông qua cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng có ý nghĩa quan trọng.

Hưng Khánh