BSR đã áp dụng linh hoạt một loạt giải pháp sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh
Công suất thiết kế của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm nhưng năm nay Nhà máy phải dừng gần 2 tháng để tiến hành bảo dưỡng tổng thể nên sản lượng theo kế hoạch cả năm là 5,56 triệu tấn. Sau bảo dưỡng tổng thể, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động an toàn, ổn định ở công suất 106 - 110% công suất. Ước tính cả năm, BSR sẽ sản xuất khoảng 5,93 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại, vượt kế hoạch 7%. Tính hết tháng 11 năm 2020, tổng doanh thu đạt 49.035 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước đạt 5.088 tỷ đồng.
Về đích sớm kế hoạch sản lượng là một kết quả rất đáng khích lệ, thể hiện sự nỗ lực không mệt mỏi của Ban lãnh đạo và người lao động BSR, đặc biệt trong bối cảnh Công ty đang đối mặt với khủng hoảng kép của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu cộng với điều kiện thời tiết bão gió lớn tại miền Trung.
Phải nói rằng, năm 2020 là năm vô cùng khó khăn của ngành dầu khí thế giới và Việt Nam. Tác động của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, BSR gặp rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử.
Tổng giám đốc BSR Bùi Minh Tiến cho biết: Để ứng phó với khủng hoảng kép, BSR đã áp dụng linh hoạt một loạt giải pháp sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ban lãnh đạo họp hàng ngày, hàng tuần để đánh giá các kịch bản sản xuất kinh doanh và quyết tâm không dừng Nhà máy mà điều chỉnh dải công suất cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Về công tác dầu thô, tối đa tiêu thụ dầu thô trong nước để tăng liên kết chuỗi lợi ích trong ngành; tận dụng cơ hội mua spot (hợp đồng chuyến) dầu thô trong nước với phụ phí thấp; chủ động làm việc với nhà cung cấp giãn thời gian thanh toán, giảm cước vận chuyển,...
Về công tác sản xuất, linh hoạt trong việc điều chỉnh công suất nhà máy theo nhu cầu thị trường, giải phóng hàng tồn kho giá cao để có chỗ chứa cho các lô dầu thô có giá thấp,... Về công tác kinh doanh, phối hợp với khách hàng để tối đa hóa tiêu thụ sản phẩm, thuê kho gửi hàng; bám sát thị trường, tăng cường công tác dự báo và phân tích, linh hoạt, tối ưu hóa sản phẩm để tìm cơ hội bán các sản phẩm trung gian có giá trị kinh tế cao,… Về công tác tài chính, tăng cường công tác quản trị dòng tiền, triển khai các giải pháp như tối ưu số dư tiền gửi không kỳ hạn, sử dụng linh hoạt giữa vay vốn lưu động và gửi tiền có kỳ hạn nhằm tận dụng lãi suất vay ưu đãi để tăng thu nhập tài chính cho Công ty,…
BSR cũng tập trung rà soát, kiểm soát, cắt giảm và tối ưu chi phí sản xuất kinh doanh. Giá thành sản xuất bình quân thực hiện 11 tháng đầu năm 2020 thấp hơn so với giá thành kế hoạch gần 30% đã giúp BSR vượt qua khủng hoảng. Tính đến tháng 11/2020, BSR đã tiết giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với kế hoạch, trong đó các giải pháp tối ưu làm tăng doanh thu và giảm chi phí gần 1.000 tỷ đồng.
Có thể nói năm 2020, là năm rất khó khăn nhưng cũng là năm BSR vượt qua khủng hoảng thành công. BSR đã thực hiện thành công bảo dưỡng tổng thể lần 4 đạt các mục tiêu đã đề ra trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại tại các tỉnh miền Trung và thời tiết mưa bão ở Quảng Ngãi.
Vào lúc cao điểm nhất của bảo dưỡng tổng thể, trên công trường Nhà máy có hơn 4.700 người đến từ nhiều quốc gia, từ nhiều địa phương khác nhau trong nước, nhưng BSR đã kiểm soát tốt công tác phòng chống dịch bệnh, không có một ai bị nhiễm SARS-CoV-2. Đây là điều rất đáng mừng cho Công ty thực hiện thành công bảo dưỡng tổng thể lần 4 góp phần quan trọng giúp BSR về đích sớm kế hoạch sản xuất 19 ngày, Tổng giám đốc BSR Bùi Minh Tiến cho biết thêm.
Theo Nhịp sống kinh tế