Vì lấy chồng, nên phải cắt trợ cấp?
Vừa qua, Báo Thương hiệu và Công luận nhận được phản ánh của gia đình nhà chồng chị Nguyễn Thị Trang (Thanh Liêm, Hà Nam), cho biết chị Trang trước có hộ khẩu tại Xã Phương Trung – huyện Thanh Oai – Hà Nội được nhà nước trợ cấp tiền chế độ chính sách cho chị trang đã nhiều năm. Nhưng gần một năm nay chị Trang không được nhận số tiền trợ cấp theo quy định. Tuy nhiên, thuốc mà nhà nước hỗ trợ cho bệnh nhân tâm thần chị Trang vẫn được lĩnh đều hằng tháng. Thấy lạ, người nhà của chị Trang lên UBND xã Phương Trung hỏi về khoản tiền mà nhà nước trợ cấp đối với trường hợp của chị Trang, thì được cán bộ lao động thương binh xã trả lời là chị Trang không được hưởng tiền trợ cấp của nhà nước nữa vì đã đi lấy chồng!
Để hiểu rõ hơn vấn đề, PV đã trao đổi với gia đình chị Trang được biết: “Trang bị bệnh khoảng hơn mười năm (cuối năm 2007), lúc đó đang học lớp 11. Thời gian đầu gia đình không biết Trang bị bệnh tâm thần, nên đã chạy chữa khắp nơi. Lúc này, Trang không thể tiếp tục theo học PTTH nữa. Gia đình, có người nhà trong Thành phố Hồ Chí Minh, nên cho chị vào đó để chữa bệnh nhưng không khỏi. Trở về nhà để tiếp tục chạy chữa nhưng bệnh tình không thuyên giảm mà có dấu hiệu nặng thêm. Đêm đêm Trang đi lang thang hò hét khắp xóm làng khiến mọi người kinh hãi, và nhiều lần đã tự tử nhưng đều có người phát hiện nên không thành”.
Trước những biểu hiện bất thường của Trang, gia đình đành đưa Trang vào Bệnh viện tâm thần Mỹ Đức, Hà Nội để điều trị, nhưng gia đình không có điều kiện thường xuyên ở lại chăm nom nên xin thuốc để đưa Trang về điều trị tại nhà. Lúc này, bệnh viện chuyển cho gia đình hồ sơ bệnh án của Trang để lĩnh thuốc tại địa phương. Theo hướng dẫn của bệnh viện, gia đình chuyển giấy tờ về Phòng LĐTBXH huyện Thanh Oai. Hằng tháng gia đình lên Trạm xá của xã để lấy thuốc về cho Trang uống. Sau gần một năm, có Hội đồng Giám định về xã để giám định tâm thần cho Trang. Sau ít tháng, thì gia đình nhận được quyết định trợ cấp, và thẻ bảo hiểm y tế mà nhà nước hỗ trợ cho bệnh nhân tâm thần.
Sổ điều trị bệnh của chị Nguyễn Thị Trang
Chia sẻ thêm về hoàn cảnh của Trang gia đình nói: “Năm 2015, Trang lập gia đình với một người thương yêu và thông cảm cho bệnh tình của Trang. Sau một thời gian lập gia đình, Trang sinh được một cháu nhỏ. Nhưng bệnh của Trang không mấy thuyên giảm, sợ không may gây ra chuyện bất ổn cho con nhỏ, nên mẹ đẻ của Trang đã đón Trang về nhà để điều trị. Sau đó, mẹ Trang đưa Trang vào Bình Định chữa bệnh hết gần một năm.
Lúc trở lại quê nhà, mẹ đẻ của Trang có lên UBND Xã Phương Trung hỏi về số tiền trợ cấp mà Trang được hưởng theo quy định, thì vị cán bộ TBXH xã “thản nhiên” nói: “Vì đi lấy chồng rồi nên cắt…”. Gia đình Trang “buồn” nói: “Chúng tôi đều là những người dân quê đâu có hiểu biết gì, họ là cán bộ nói sao thì tôi biết vậy. Hôm trước có người mách tôi lên xã hỏi xem có quyết định dừng trợ cấp đối với Trang không, tôi cũng làm theo và lên gặp cán bộ TBXH xã thì ông ấy cho biết không có… Vậy tại sao không có quyết định dừng trợ cấp mà con tôi lại không được hưởng theo quy định?”
Tôi vẫn đang giữ tiền trợ cấp!
Để làm rõ về đề, ngày 03/10/2018, PV đã đến UBND xã Phương Trung để đặt lịch làm việc liên quan đến chế độ chính sách của nhà nước giành cho những hoàn cảnh không được may mắn.
Thay mặt UBND xã Phương Trung để làm việc với PV là ông Phạm Văn Thọ - cán bộ Lao động TBXH xã cho biết: “Trường hợp của Nguyễn Thị Trang thì đúng là ở xã này và cũng từ cuối năm 2017, gia đình có lên đây hỏi về tiền trợ cấp của Trang, thì tôi có trả lời là dừng không được hưởng trợ cấp nữa…” Khi PV hỏi lý do vì sao Trang vẫn đang bị bệnh mà lại dừng trợ cấp? ông Thọ “thản nhiên” trả lời: “Vì lấy chồng, biết đâu khẩu đã chuyển khỏi xã này rồi thì sao. Vì vậy, tôi không thể trả tiền trợ cấp được”.
Trước cách trả lời lạ lùng của vị cán bộ Lao động TBXH này, PV muốn hỏi rõ: Vậy tiền trợ cấp của nhà nước đối với trường hợp của chị Trang vẫn chuyển về xã đều hàng tháng đúng không? Và hiện nay số tiền trợ cấp gần một năm Chị Trang chưa được nhận thì xã vẫn giữ sao? Ông Thọ nói: “Đúng! Tôi vẫn giữ, vì chưa xác định được Trang đã chuyển khẩu đi khỏi xã hay chưa?”. “Tôi không làm văn bản nào cả, tôi chỉ trao đổi miệng với đồng chí Hiền (thủy quỹ của Phòng Lao động TBXH của huyện, phụ trách mảng xã hội) và chị Hiền cũng bảo giữ lại…?”.
Việc chi trả tiền cho đối tượng được nhà nước trợ cấp đâu phải do cán bộ xã quyết định?. Nhà nước trợ cấp cho những hoàn cảnh kém may mắn mà xã giữ lại để xem xét như vậy có đúng với quy định của pháp luật hay không? Trong khi đó tiền về cán bộ lao động TBXH xã “ung dung” giữ lại gần một năm nay, mà không hề có bất cứ văn bản nào báo cáo lên Phòng Lao động TBXH huyện Thanh Oai về trường hợp của chị Trang?
Sự việc trên đủ để dư luận hoài nghi về việc không minh bạch trong số tiền mà nhà nước trợ cấp cho chị Trang, lại bị xã “từ chối” chi trả cho người được hưởng theo đúng quy định.
Đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ sự việc, cũng như xử lý nghiêm minh nếu có sự “ăn chặn” đối với số tiền trợ cấp của nhà nước giành cho người bệnh. Bên cạnh đó, đảm bảo quyền lợi cho những người có số phận kém may mắn.
Cao Huyền